Phủ kín 57 xã “trắng” về điện vào năm 2020: Chung sức hiện thực hóa giấc mơ của đồng bào

Với mục tiêu từ nay đến năm 2020, phủ kín 57 xã “trắng” về điện (đạt 100% số xã có điện) đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay, góp sức của Chính phủ, ngành Điện và cả cộng đồng, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”.

Ông Danh Út – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội: Có điện là giấc mơ của đồng bào

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với khoảng 12 triệu người, chiếm 14,3% tổng số dân của cả nước. Phần lớn các dân tộc này cư trú ở vùng sâu, vùng xa và có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50% so với cả nước. Vì vậy, việc đưa điện về nông thôn là “giấc mơ” đối với đồng bào dân tộc nơi đây. Trong giai đoạn 1998 – 2007, cứ sau một ngày ở nước ta có thêm một xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Đây thực sự là con số ấn tượng, khẳng định thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn, góp phần ổn định đời sống, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí của đồng bào và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, những khu vực chưa có điện hiện nay đều là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về địa hình, giao thông, mật độ dân cư thưa thớt, suất đầu tư cấp điện nông thôn/hộ rất cao. Trong giai đoạn 2014 – 2020, chúng tôi mong muốn đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thực hiện điện khí hóa nông thôn. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương, EVN quan tâm hơn nữa, đặc biệt là những tỉnh có tỷ lệ điện khí hóa nông thôn thấp hơn so với trung bình của cả nước như Lai Châu (62%), Điện Biên (74%), Hậu Giang (78%). Đồng thời, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc biệt đối với những khu vực khó đầu tư và khuyến khích các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ trong việc đưa điện về với 1,3 triệu hộ dân nông thôn còn lại trên cả nước, giúp họ sớm thoát cảnh nghèo khó.


 

Ông Đào Trọng Chương - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc: Cần cân đối nhu cầu vốn đầu tư hợp lý

Chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn tới khá nặng nề và nhiều khó khăn, mục tiêu là cấp điện cho khoảng 12.000 thôn bản chưa có điện và các thôn bản có chất lượng điện chưa tốt tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 7 triệu hộ dân nông thôn, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.
Để giải quyết vấn đề này, các Bộ, ngành và đơn vị liên quan nên xem xét tình hình vốn đối ứng của các tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư phải tự cân đối 15% vốn đối ứng. Thực tế trong thời gian qua, vấn đề  này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khu vực vùng cao ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Thứ hai, hiện nay trên cả nước có 91 xã chưa được cấp điện lưới quốc gia, trong đó, có 57 xã “trắng” về điện (chưa có điện đến trung tâm xã) và 34 xã mới được cấp điện bằng các nguồn điện độc lập không kết nối với lưới điện quốc gia. Như vậy, chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2014 – 2020 cần bổ sung giải pháp cụ thể cho 34 xã này để người dân được sử dụng điện ổn định hơn.
Thứ ba, cần cân đối nhu cầu vốn đầu tư điện khí hóa nông thôn đến năm 2020 cho phù hợp giữa các tỉnh, đặc biệt là đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cụ thể, hiện nay tỷ lệ hộ dân có điện khu vực nông thôn của tỉnh Lai Châu là 62,66%, với tổng số vốn đầu tư dự kiến đến năm 2020 là 783 tỷ đồng; con số này ở tỉnh Điện Biên tương ứng là 74,94% - 1.148 tỷ đồng; ở tỉnh Hậu Giang là 78,62% - 191 tỷ đồng. Trong khi đó, một số tỉnh đã hoàn thành 100% điện khí hóa nông thôn có tổng số vốn đầu tư khá lớn, như Hải Phòng 3.180 tỷ đồng, Nghệ An 2.947 tỷ đồng…

 

Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công Thương: Đảm bảo tính thuyết phục của từng dự án để huy động vốn đầu tư

Theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 28.809 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cấp điện bằng điện lưới quốc gia là 27.328 tỷ đồng; vốn đầu tư cấp điện bằng nguồn ngoài lưới điện quốc gia là 1.481 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lưới điện hiện nay tại hơn 7.000 xã đã bàn giao cho EVN quản lý trong thời gian qua đều quá cũ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Để cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn nhằm giảm tổn thất điện năng xuống dưới 8% và bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng sử dụng điện trên cả nước theo Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 – 3 tỷ USD.
Vì vậy, trước khi lập dự án đầu tư, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và ngành Điện cần có sự tính toán phù hợp, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án. Đồng thời, đảm bảo tính thuyết phục của từng dự án để kêu gọi tài trợ từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Đối với những dự án đang triển khai, cần có nguồn ngân sách nhất định để sẵn sàng duy tu, bảo dưỡng, tránh sự xuống cấp của dự án do ảnh hưởng của thời tiết như mưa, bão, lũ lụt... Ngoài ra, sau khi hoàn thành các dự án đưa điện về nông thôn cũng cần phải có biện pháp quản lý lưới điện hiệu quả, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo chất lượng cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.


 

 

Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Cam kết dành một phần ngân sách địa phương để thực hiện điện khí hóa nông thôn

Tính đến hết năm 2013, 100% số xã và trên 97% số hộ dân nông thôn tỉnh Hà Tĩnh được hưởng lợi từ chương trình điện khí hóa nông thôn. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã thay đổi, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại chiếm 82%, còn lại là nông nghiệp. Phân công lao động trên địa bàn xã, liên xã, liên huyện cũng có sự chuyển dịch, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35 – 37% xuống còn hơn 10%. Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn còn những hộ dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên bị bão lũ. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành TW và ngành Điện cần tiếp tục huy động nguồn lực và xã hội hóa đầu tư, tiếp tục thực hiện điện khí hóa nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ dành một phần ngân sách địa phương đồng thời huy động các nguồn lực khác để phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hà Tĩnh triển khai hoàn thành các tiêu chí về điện nông thôn; trong đó ưu tiên, chú trọng vận động người dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 trong chương trình xây dựng nông thôn mới như tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư các công trình điện, tham gia thực hiện và bảo vệ hành lang lưới điện; đầu tư hệ thống điện gia đình và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn.

 

 

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020 (Quyết định số 2081/QĐ-TTg):

 

Toàn bộ chương trình

Giai đoạn 2013 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Số xã được cấp điện

57

40

17

Số thôn, bản, được cấp điện

12.140

2.500

6.025

Số hộ dân được cấp điện

1.288.900

140.800

1.126.800 (cấp điện từ điện lưới quốc gia)

21.300 (cấp điện ngoài điện lưới quốc gia)

Tổng số vốn đầu tư (tỷ đồng)

28.809

4.881

23.928

 


  • 21/07/2014 09:03
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3177


Gửi nhận xét