Quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng

Là chủ đề của chương trình đào tạo do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp triển khai dành cho 25 cán bộ quản lý cấp 3 khu vực miền Bắc của EVN. Chương trình đào tạo này diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 31/10 - 2/11).

Tham dự chương trình về phía GIZ có ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong ngành Công nghiệp và Thương mại (CIRTS); Tiến sỹ Thomas Holtkamp, giảng viên quốc tế, chuyên gia của GIZ và ông Voss Torben, chuyên gia năng lượng thuộc Công ty Como Consult GmgH (Đức).

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (đầu tiên bên trái) và ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án ĐMTMN trong ngành Công nghiệp và Thương mại (CIRTS) trao chứng chỉ cho các học viên tham dự chương trình đào tạo.

Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, tính đến tháng 10/2023, tổng công suất đặt các nguồn trong hệ thống điện Việt Nam là 79.130 MW, trong đó năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 1/4 công suất hệ thống. Công suất NLTT, đặc biệt là điện mặt trời gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây đã đưa Việt Nam đứng trong top 10 các quốc gia có công suất NLTT tăng cao nhất thế giới. Theo Phó Tổng giám đốc EVN, sự phát triển của ngành Điện Việt Nam vừa là thành tựu nhưng cũng tạo nên không ít thách thức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý của EVN và các đơn vị. 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng chia sẻ về văn hóa và tư duy lãnh đạo trong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng. Thông qua các câu hỏi thảo luận, lãnh đạo EVN khuyến khích các học viên luôn tìm tòi, suy nghĩ để có thể tìm ra các ý tưởng đột phá nhằm đề xuất những sự thay đổi hiệu quả cho EVN.

Chương trình đào tạo diễn ra trong 2,5 ngày bao gồm các nội dung: các yếu tố thiết yếu của quá trình quản trị sự thay đổi, quy trình thực hiện thay đổi, xây dựng cấu trúc và triển khai thay đổi; lãnh đạo trong thời kỳ VUCA (Volatility - dễ biến động, Uncertainty - bất định, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ); chu trình và công cụ phát triển chiến lược quản trị thay đổi... đến từ các giảng viên quốc tế của GIZ. 

Bên cạnh đó, các học viên cũng được tham dự phiên chia sẻ đồng cấp của Trưởng ban Nhân sự và Chất lượng thuộc Điện lực EGAT (Thái Lan) về chiến lược quản trị nhân sự, định vị vị thế của một công ty điện lực, chiến lược trung - dài hạn về trung hòa carbon của EGAT. 

Quản trị sự thay đổi đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đối với EVN, bối cảnh chính là chuyển đổi số, là chuyển dịch năng lượng mà EVN chỉ có một con đường duy nhất là linh hoạt thích ứng, đầu tư các nguồn lực cần thiết để quá trình thay đổi diễn ra một cách hiệu quả. Trong quá trình đó, dựa trên kinh nghiệm của mình, GIZ đã tham gia phối hợp, hỗ trợ EVN trong việc nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, CBCNV vận hành hệ thống điện.

Riêng trong năm 2023, EVN phối hợp với GIZ tổ chức 3 chương trình đào tạo cho CBQL của EVN về "Quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng", bao gồm 1 lớp cho CBQL cấp 1 và quy hoạch cấp 1, 2 lớp cho CBQL cấp 3.

Một số hình ảnh trong chương trình đào tạo dành cho cán bộ quản lý (CBQL) cấp 3 của EVN về "Quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng":

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại chương trình.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án ĐMTMN trong ngành Công nghiệp và Thương mại của GIZ phát biểu tại chương trình.

Các giảng viên quốc tế của GIZ chia sẻ tại chương trình về "Quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng"

Tiến sỹ Thomas Holtkamp, giảng viên quốc tế, chuyên gia của GIZ chia sẻ về các yếu tố thiết yếu của quá trình quản trị sự thay đổi.

Các học viên tham gia thảo luận về văn hóa và tư duy lãnh đạo EVN trong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng.


  • 02/11/2023 02:27
  • T.Huyền
  • 3580