Quy hoạch các ngành năng lượng phải gắn kết với nhau theo từng giai đoạn

Ngày 9/5, Viện Nghiên cứu Chiến lược- Chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng và Dầu khí: Đầu tư và phát triển bền vững.

Tham dự có ông Bùi Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, trường đại học, các tổ chức  năng lượng.

Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTG ngày 27/12/2007, Bộ Công Thương được giao trách nhiệm quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý năng lượng - Ảnh: P.Trang

Mục tiêu của Chiến lược là phát triển năng lượng phải gắn liền với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo điện đi trước một bước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sử dụng năng lượng hiệu quả, từng bước hình thành thị trường năng lượng và gắn  với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong thời gian qua, quy hoạch các phân ngành Điện, Than, Dầu khí, Năng lượng mới và tái tạo vẫn được thực hiện riêng lẻ, thiếu sự đồng bộ và thống nhất; cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch…

Hiện nay, tổng công suất điện của cả nước là 27.000 MW, sản lượng điện sản xuất là 100 tỷ kWh/năm, bình quân mỗi người hơn 1.000 kWh/năm. Theo Quy hoạch điện VII, mục tiêu đến năm 2020, cả nước phải sản xuất được 330 tỷ kWh/năm, công suất là 75.000 MW.

Ông Trần Viết Ngãi khẳng định: "Như vậy, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 7 năm, công suất điện phải tăng từ 27.000 MW lên 75.000 MW. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, nằm ngoài sức tưởng tượng. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ còn khó khăn hơn nữa”. Bên cạnh đó, giá cả của các loại nhiên liệu, năng lượng cũng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý.

Vậy, ngành Năng lượng Việt nam sẽ phải phát triển như thế nào trong thời gian tới?. Đó là vấn đề được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đưa ra thảo luận tại Diễn đàn. Trên cơ sở những đánh giá, nhận định về quá trình phát triển ngành Năng lượng và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Năng lượng trong 5 năm (2007 – 2012), đề xuất các giải pháp nhằm mục tiêu phát triển ngành Năng lượng một cách bền vững.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị:

Quy hoạch các phân ngành năng lượng (Điện, Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo) cần só sự hoàn thiện, đồng bộ và gắn kết với nhau theo quy hoạch giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030.

Trên cơ sở lấy Quy hoạch điện VII làm gốc, rà soát tình trạng các nguồn điện, trước mắt là các nguồn điện đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2011 – 2020, từ đó tính toán lại nhu cầu điện cuả nền kinh tế -  xã hội các năm 2015, 2020 có xét đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngành Than và Dầu khí phải đảm bảo đáp ứng được về thời gian, khối lượng, chất lượng phục vụ nguồn điện chạy than và khí trong giai đoạn này.

 


  • 10/05/2013 03:36
  • Phan Trang
  • 2804


Gửi nhận xét