Giải đáp câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: Theo tôi được biết, vừa rồi có một vài sự cố xảy ra đối với thủy điện nhỏ đó là vỡ đập, gần đây nhất là đối với dự án thủy diện Ea đrăng 2 (ở Gia Lai). Trước hết nói về vấn đề an toàn đập, không chỉ năm 2013 mà các năm trước Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ thị, văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý, các Sở Công Thương kiểm tra, rà soát các thủy điện đóng trên địa bàn.
Đặc biệt liên quan đến mùa mưa bão, Ban chỉ đạo PCLB Bộ Công Thương và Trung ương đều có kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ an toàn các đập thủy điện. Trước khi mưa bão xảy ra, đối với những Dự án thủy điện Bộ Công Thương trực tiếp quản lý có công suất > 30 MW thì Bộ đã kiểm tra toàn bộ 57 nhà máy với 59 hồ thủy điện (có 1 nhà máy có 3 hồ thủy điện) về phương án phòng chống lũ lụt, phương án xử lý sự cố.
Việc rà soát các thủy điện nhỏ đã được Bộ Công Thương hoàn thành và vẫn tiếp tục rà soát trong thời gian tới.
Bộ Công Thương rà soát các công trình thủy điện thường xuyên - Ảnh: X.Tiến
|
Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết thêm: Hiện nay, Bộ Công thương đã cơ bản rà soát xong các thủy điện trên cả nước và đã trình Dự thảo báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng thông qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo vấn đề này trước Quốc hội.
Sau khi báo cáo Quốc hội, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, đối với những dự án không đảm bảo yêu cầu Bộ sẽ xem xét điều chỉnh. Các dự án thủy điện phải đáp ứng được 5 tiêu chí: Thứ nhất là an toàn, thứ 2 đảm bảo diện tích chiếm dụng đất rừng và rừng ít nhất, thứ 3 là hạn chế di dân tái định cư, thứ 4 đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuối cùng là hiệu quả. Việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh, quy hoạch thủy điện là việc Bộ Công Thương làm thường xuyên.
Trước đó, ngày 29/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến rà soát quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta có rất nhiều quy hoạch. Nhưng khi dự trù nguồn lực thì không rõ và không khả thi, nên phải rà soát, phải điều chỉnh. Trách nhiệm của những người làm quy hoạch không tốt thì phải xem xét. Nếu khả năng dự báo kém thì không còn cách nào khác phải nâng cao. Còn nếu xét trong quy hoạch đó có những điều không bình thường vì lợi ích này, hay lợi ích khác thì chúng ta phải xử lý. Những công trình nào đưa vào quy hoạch mà bị loại ra, tôi cho rằng đó là chuyện rất bình thường, đó là nhiệm vụ của rà soát.