Nhóm đề tài nghiên cứu thiết kế Robot thông minh tại PC Thừa Thiên Huế
|
Năm 2021, kỹ sư Hoài Quang và các cộng sự tham khảo, nghiên cứu về lý thuyết, nguyên lý hoạt động để kết nối hình thành robot điều khiển từ xa. Cấu trúc của robot này có ba phần chính: Phần thân, hệ thống bánh dẫn động và hệ thống giám sát. Robot có chiều dài 500mm, rộng 300mm và cao 350mm. Phần thân được gia công bằng hợp kim nhôm, đảm bảo độ chắc chắn cho robot, bảo vệ bộ xử lý và các thiết bị bên trong. Hệ thống bánh dẫn động sử dụng hệ bánh đai xích, giúp robot di chuyển linh hoạt, đặc biệt trên địa hình ngoài trời hoặc ở các khu vực nền đường đá…
Robot này có thêm hệ thống giám sát bao gồm trục giá đỡ camera và camera. Hệ thống này có thể điều chỉnh hướng, giúp tăng khả năng giám sát đến mọi vị trí mà không cần điều chỉnh robot di chuyển…
Chủ nhiệm đề tài này chia sẻ, việc thiết kế robot là sử dụng công cụ OnShape 3D. Bộ điều khiển được xây dựng trên nền tảng vi điều khiển STM32F4, là MCU 32bit dòng ARM Cortex-M. Hệ thống cảm biến 10DOF, cảm biến khoảng cách. Động cơ truyền động là loại DC Motor. Có 2 camera được lắp đặt trên hệ trục có thể điều khiển di chuyển lên và xuống, xoay trái, phải giúp tăng vùng quan sát. Ăng ten wifi và ăng ten GPS được lắp đặt bên ngoài robot giúp tăng chất lượng kết nối.
Khi phân tích việc ứng dụng và xử lý dữ liệu trên theo yêu cầu để đồng bộ, nhóm đề tài lựa chọn giải pháp camera kép để lắp đặt cho robot. Đó là 2 loại camera quan sát và camera nhiệt. Từ đó, các thành viên trong nhóm đã triển khai mô hình điều khiển và thu thập dữ liệu cho robot. Qua đó, xây dựng giải pháp truyền nhận dữ liệu, xây dựng mô hình động lực học… để tiến hành xây dựng thuật toán điều khiển trên bộ xử lý trung tâm…
Mới đây, đề tài trên tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, năm 2024 và được ban tổ chức đánh giá cao vì có tính sáng tạo, nhiều tính năng vượt trội. Đây là đề tài khoa học trí tuệ được thiết kế, xây dựng từ cán bộ kỹ sư ngành điện địa phương. Sản phẩm robot này có giá thành thấp nhưng ứng dụng thực tế hiệu quả, tiết kiệm được chi phí nhập khẩu về công nghệ, tạo thương hiệu cho PC Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Đại Phúc, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, lâu nay vấn đề kiểm tra tự động các thiết bị trạm biến áp được luôn được ngành xem trọng. Việc nghiên cứu chế tạo robot điều khiển từ xa phục vụ công tác giám sát vận hành trạm biến áp 110kV KNT của các kỹ sư cũng là mong muốn của đơn vị. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học sáng tạo với công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong thời đại công nghệ số của ngành Điện. Sắp đến, ngành Điện sẽ nhân rộng mô hình, đưa robot phục vụ tại các trạm biến áp 110kV KNT ở địa phương, cũng như khu vực miền Trung và cả nước.
Link gốc