Trộm cắp điện ở Đà Nẵng có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây
|
Lợi dụng điểm dừng cáp trước công tơ nằm ở vị trí thuận lợi gần nhà, ông Hạnh đã trích cáp, lấy cả 2 pha qua ổ cắm để hai nhà “dùng chung”. Để “qua mắt” nhân viên điện lực, khách hàng đã dùng các chậu cây cảnh che chắn bên ngoài. Cách làm không mới, nhưng thủ đoạn thì rất tinh vi và khó phát hiện. Qua xác minh của Đoàn kiểm tra sử dụng điện, hai gia đình đã thừa nhận sai phạm và ký vào biên bản vi phạm với sản lượng điện truy thu trên 11.000 kWh tương đương gần 30 triệu đồng.
Trước đó, kiểm tra viên điện lực cũng đã phát hiện hai vụ trộm cắp điện trên địa bàn quận Thanh Khê.
Tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Diên Hồng - 24 Văn Cao, khách hàng tự ý đảo sơ đồ đấu dây công tơ, kết hợp sử dụng nguội ngoài qua cầu dao đảo chiều để sử dụng “điện chùa”. Sản lượng điện năng bị mất cắp lên tới 12.000 kWh.
Tại hộ gia đình bà Lương Ngọc Thùy Linh, tổ 30 phường Tân chính, Đoàn kiểm tra đã phát hiện khách hàng sử dụng đinh vít đấu trực tiếp vào pha lửa trước công tơ, thông qua aptomat, sử dụng điện không qua đo đếm, sản lượng điện năng bị mất cắp là hơn 900kWh. Đáng chú ý, tại hiện trường đoạn cáp cấp nguồn vào trước công tơ bị khách hàng “xẻ thịt”, rất may hành động liều lĩnh trên chưa gây ngắn mạch điện, có thể xảy ra cháy nỗ.
Khung hình phạt cho các hành vi trộm cắp điện nêu trên đã được quy định rõ tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng với số lượng dưới 1.000kWh; từ 25 triệu đến 30 triệu đồng với số lượng từ 8.500- dưới 11.000kWh và từ 30 triệu đến 35 triệu đồng với số lượng từ 11.000- dưới 13.500kWh
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn của tháng 6/2013, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã phát hiện 3 vụ vi phạm sử dụng điện với tổng sản lượng bồi thường 24.400 kWh tương đương gần 65 triệu đồng.
Việc kiểm tra và liên tục phát hiện các trường hợp trộm cắp điện của Công ty Điện lực Đà Nẵng trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng khách hàng tự ý can thiệp vào lưới điện, sử dụng điện không qua đo đếm đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, qua đó cần sớm có giải pháp xử lý, răn đe.