Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các dự án điện đi qua địa bàn TP. HCM thường rất khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Điển hình là đầu năm 2013, trên toàn địa bàn Thành phố có tới 7 dự án điện vẫn “dậm chân tại chỗ” vì chậm GPMB. Một số dự án truyền tải trọng điểm (như Dự án ĐZ 500 kV Phú Lâm – Ô Môn), Chính phủ, Bộ Công Thương đã phải trực tiếp vào cuộc chỉ đạo mới phá được “thế bế tắc”, có mặt bằng triển khai.
Công tác đền bù GPMB thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện - Ảnh: V. Long
|
Rút kinh nghiệm từ những vụ việc đó, cộng với sự nhận thức sâu sắc về vai trò của các dự án điện trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND TP. Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương các cấp của Thành phố đã có những đột phá về cơ chế đền bù GPMB mang tính chiến lược.
Trao đổi với phóng viên evn.com.vn, ông Huỳnh Văn Liêm – Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Dự án ĐZ 500 kV Mỹ Phước - Cầu Bông đi qua địa bàn huyện có nhiều điểm đặc biệt so với các dự án đền bù GPMB tập trung trước đây. Cụ thể, có 110 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nằm trong diện phải di dời, 680 hộ ảnh hưởng một phần do đất canh tác nằm trong hành lang tuyến, 19.000 m2 diện tích phải thu hồi vĩnh viễn phục vụ cho việc xây dựng các vị trí móng cột; 672.000m2 bị ảnh hưởng một phần (đường dây Dự án đi qua) nên giảm giá trị sử dụng.
Do phải vừa phải bồi thường GPMB hoàn toàn, vừa phải tính toán bồi thường 1 phần do các diện tích bị ảnh hưởng do nằm trong vùng hành lang tuyến, nên công tác bồi thường GPMB lần này phức tạp hơn nhiều so với các dự án trước.
Tuy nhiên với sự vào cuộc nhanh chóng của các đơn vị liên quan, cụ thể, sau đề xuất của Tổng công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC), Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi đã kiến nghị UBND TP. HCM và đã được thông qua cơ chế đền bù từng giai đoạn, linh hoạt trong thanh toán đền bù cho người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Bất kỳ người dân nào thuộc diện phải di dời nhường đất cho Dự án đi qua, nếu thống nhất với cơ chế đền bù đều có thể gửi ngay hồ sơ để chính quyền giải quyết, trả tiền ngay chứ không phải đợi đến khi 100% các hộ đồng tình mới được giải quyết.
Ông Lâm Minh Đức - ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi:
"Gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình khác ở đây đều rất đồng tình với chính sách đền bù của dự án. Dự án về để cung cấp điện tốt hơn cho người dân là đáng mừng mà. Chính quyền địa phương thì đã tạo điều kiện cho chúng tôi được nhận tiền đền bù ngay khi đồng tình, chỉ cần làm hồ sơ gửi lên xã là xong, rất thuận tiện..."
|
Ông Huỳnh Văn Liêm khẳng định, đây là lần đầu tiên TP. HCM áp dụng cơ chế đền bù GPMB đặc biệt cho một dự án điện, chứng tỏ sự linh hoạt cũng như quyết tâm cao của chính quyền địa phương đối với việc đảm bảo tiến độ dự án.
Hiệu quả thực tiễn của cơ chế linh hoạt này đã được chứng minh một cách rõ ràng. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết người dân nằm trong diện phải thu hồi đất vĩnh viễn cũng như diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến đi qua đều đã đồng tình cao với chủ trương của Nhà nước. 51/54 vị trí móng trụ đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư dự án.
Đến hết 15/10/2013, công tác đền bù GPMB sẽ hoàn thành 100% , tạo điều kiện cho Dự án ĐZ 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông được triển khai đúng tiến độ - Ông Huỳnh Văn Liêm khẳng định.
Thành công của việc áp dụng linh hoạt các cơ chế trong công tác đền bù GPMB lần này cũng là bài học kinh nghiệm để chính quyền TP. HCM tiếp tục áp dụng triển khai cho các dự án điện khác đi qua địa bàn.
Dự án ĐZ 500kV đi qua TP. Hồ Chí Minh:
- Đi qua địa bàn 4 xã, thuộc huyện Củ Chi
- Tổng chiều dài đường dây đi qua: 14,7km
- Tổng diện tích phải thu hồi vĩnh viễn (để xây dựng móng trụ): 19.000m2
- Tổng diện tích bị ảnh hưởng 1 phần (nằm trong hành lang tuyến): 672.000m2
- Hiện trạng đền bù GPMB: Đã bàn giao 51/54 vị trí cho móng trụ dự án
- 107/110 hộ dân phải di dời đã đồng tình với chính sách đền bù GPMB
- Dự kiến: 15/10/2013 sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư dự án.
|