Tái định cư Thủy điện Sơn La: Tiếp tục chăm lo đời sống người dân

Có thể nói, công trình Thủy điện Sơn La vượt trước tiến độ 3 năm, ngoài sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn phải kể đến sự đóng góp to lớn của hàng chục vạn đồng bào dân tộc đã hy sinh nhường đất cho Dự án. Đây cũng chính là lý do, Nhà nước, các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của những người dân trong các khu tái định cư.

Dân đã an cư

Kết thúc xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, đã có hơn 20.340 hộ với 93.201 người  thuộc 248 bản, 31 xã trên địa bàn ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La phải rời bỏ mảnh đất quê hương bao đời gắn bó đến nơi ở mới, nhường đất cho Nhà máy.

Đến nay, 3 địa phương đã hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 78 khu, 285 điểm tái định cư (TĐC) tập trung và bố trí xen ghép tại 17 bản, 38 xã, đảm bảo tiếp nhận 100% số dân phải TĐC. Đến tháng 4/2010, 100% số dân bị ảnh hưởng đã chuyển về nơi ở mới, đảm bảo an toàn tuyệt đối, vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. 

Ở các khu, điểm TĐC, các công trình hạ tầng như đường, điện, trường, trạm đã được đầu tư cơ bản. Nhà ở của người dân xây dựng phù hợp với quy hoạch và phong tục tập quán của từng dân tộc, chất lượng xây dựng đảm bảo, nhà cửa khang trang, điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. 

Ngoài đất ở, hỗ trợ tiền, gạo, các hộ dân đều được giao đất sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi. Tất cả các hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn với đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành và địa phương. Trong đó có đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua việc chuyển kinh phí kịp thời (hàng nghìn tỷ đồng) cho các Ban chỉ đạo di dân, TĐC của các tỉnh. 

Ở mỗi tỉnh, EVN cũng cử cán bộ tham gia trực tiếp công tác khảo sát, lập dự án, tính toán, đề xuất cơ chế chính sách, đơn giá bồi thường, xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với vị trí, phong tục, tập quán của người dân địa phương; tham gia hỗ trợ trực tiếp việc di chuyển, xây dựng các mô hình sản xuất cho người dân. EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tiếp nhận, quản lý, ưu tiên chăm lo hệ thống điện ở các điểm, khu TĐC, đảm bảo điện cho sinh hoạt và sản xuất. Hàng năm, các đoàn thể, đơn vị trực thuộc EVN còn chủ động phối hợp, tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà nhằm chia sẻ những khó khăn của đồng bào TĐC. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê cho rằng, công tác di dân TĐC Thủy điện Sơn La đã được hoàn thành một cách xuất sắc toàn diện và là mô hình mẫu cho nhiều công trình thủy điện khác.

Sức sống mới nơi bản tái định cư Thủy điện Sơn La

Tiếp tục chăm lo

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân TĐC chưa được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Đặc biệt, ở nhiều điểm, khu TĐC, kết cấu hạ tầng xuống cấp, nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời; người dân vẫn phàn nàn về chuyện thiếu đất, thiếu nước cho sản xuất hoặc có nơi phải mất nhiều công sức cải tạo vì đất xấu; công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp còn chậm, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Thái Phụng Nê đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên nghiên cứu, cân đối bố trí nguồn vốn cho các tỉnh, đơn vị liên quan sớm hoàn thành các công trình còn dang dở, đồng thời đẩy nhanh tiến độ quyết toán toàn bộ Dự án. Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách hậu di dân TĐC, đặc biệt là sớm phê duyệt, triển khai Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC Dự án Thủy điện Sơn La”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 15 năm Dự án di dân TĐC Nhà máy Thủy điện Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan phải nghiêm túc đánh giá các mặt tồn tại, bất cập, tập trung khắc phục, để hơn 93.000 người dân TĐC có cuộc sống bền vững, ổn định trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng, tổng kết không có nghĩa là công việc đã xong và dừng lại mà phải tiếp tục hỗ trợ lo sinh kế cho người dân, quan tâm hơn nữa về hạ tầng xã hội, đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh, làm du lịch... thông qua việc xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật...; tiếp tục hỗ trợ đồng bào giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, không chỉ quan tâm về kinh tế, lo cơm ăn ba bữa. Đặc biệt, không để người dân TĐC tái nghèo.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, đặc biệt là EVN nghiên cứu cơ chế chia sẻ một phần lợi nhuận từ Thủy điện Sơn La dành cho công tác phát triển, hỗ trợ những người dân đã hy sinh lợi ích của mình vì thành công của công trình.

Với 3 tỉnh, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ chưa được cấp; hoàn thành 6 công trình đang thi công; tăng cường khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân tái định cư… Các tỉnh xây dựng, phê duyệt, thực hiện quy chế quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư. 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La đến cuối năm 2015:

- Thu nhập bình quân đầu người: 1,208 triệu đồng/tháng, gấp 3,92 lần so với năm 2005 (311.000 đồng/tháng);
- Tỷ lệ hộ nghèo: giảm từ 43,73% xuống còn 17,11%, tương đương giảm 2,56 lần so với trước khi TĐC;
- Tỷ lệ nhà ở kiên cố theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng: 87,6%; Tỷ lệ nhà ở bán kiên cố: 12,4%;
- Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và nước hợp vệ sinh: 93,4%; 
- Số dân được sử dụng điện lưới quốc gia: 99,7%.


 


  • 22/11/2016 04:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8483