Thúc đẩy du lịch, dịch vụ
Vừa đặt chân lên bến cảng, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nhiệt, sầm uất của những chuyến tàu, ca nô chở khách ra đảo. Tháng 11, dù là thời gian thấp điểm du lịch nhưng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng vẫn còn rất đông. Những người dân trên đảo trước đây gần như tất cả sống bằng nghề đánh bắt hải sản thì nay có thể kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn đến làm hướng dẫn viên, phục vụ nhà hàng, bán hàng lưu niệm, chạy xe ôm...tất cả đều bận rộn vì lượng khách đông hơn.
Nguồn điện diesel với thời gian và chất lượng không ổn định trước đây đã kiềm hãm sự phát triển du lịch trên đảo. Để rồi khi có điện lưới quốc gia với chất lượng ổn định, người dân trên đảo phấn khởi, vui mừng và sẵn sàng cho nhiều dự định đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất.
Anh Phan Hưng - Giám đốc Công ty du lịch Ngân Hà đang hướng dẫn một đoàn khách du lịch cho biết: Bên cạnh việc làm hướng dẫn viên du lịch, anh còn đầu tư thêm hệ thống homestay, khách sạn để phục vụ khách du lịch tại đảo. Sắp tới anh có kế hoạch xây dựng thêm khu vui chơi, kể cả dịch vụ karaoke… với mong muốn phát triển du lịch biển đảo Cù Lao.
Điện không chỉ là động lực để phát triển du lịch mà còn là điều kiện để nâng cao đời sống của người dân. Cả xã kéo nhau đi mua sắm hàng điện máy. Nhiều người đã bắt đầu làm quen với những thiết bị điện hiện đại mà bao lâu nay chưa từng nghĩ tới hoặc có thì cũng dè chừng, không dám xài nhiều vì sợ máy phát không tải nổi.
Chị Nguyễn Thị Ba – thôn Bãi Làng tâm sự: “Trước đây, dùng điện chạy bằng máy nổ hay chập chờn, thời gian lại ít nên chúng tôi dùng rất tranh thủ, vừa dùng vừa thấp thỏm lo điện cắt giữa chừng hoặc chạm chập, cháy nổ. Tối đến chỉ dùng điện để thắp bóng đèn chiếu sáng hay chạy cái quạt đuổi muỗi cho trẻ con ngủ, đâu dám nghĩ đến việc xem tivi, nghe nhạc. Kể từ khi có điện quốc gia đến nay, nhà chị và những nhà dân trên đảo được sử dụng điện 24/24h, với chất lượng được đảm bảo mà giá tiền điện như trên đất liền. Do vậy, chị đã mua thêm tủ đông để trữ thức ăn và hải sản, mua bếp điện để nấu ăn và nhiều đồ gia dụng khác...”
Công nhân thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống lưới điện vận hành an toàn trên đảo
|
Trong khi đó, ngay từ khi biết có điện lưới quốc gia, gia đình chị Lê Thị Bích Liên đã mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất đá cây, nhằm đáp ứng nhu cầu của các quán giải khát, các nhà hàng phục vụ khách cũng như nhu cầu của ngư dân dùng để bảo quản hải sản. Đây là hộ đầu tiên và duy nhất trên đảo Cù Lao Chàm làm nước đá cây. Cơ sở này có công suất sản xuất 120 cây đá mỗi ngày. Hiện nay vào mùa lạnh nên lượng cá tôm làm ra ít và du khách đảo cũng giảm so với mùa khô nhưng mỗi ngày gia đình chị Liên cũng tiêu thụ được 15 - 20 cây đá. Dự báo là mùa hè có thể tiêu thụ một ngày 40 - 50 cây.
Điều đáng nói là nhờ bây giờ làm được tại đảo nên mỗi cây đá hiện chỉ bằng 2/3 giá so với mức 37 nghìn/01 cây trước đây chở ra từ đất liền. Chị Liên cho biết: “Chất lượng điện phục vụ cho việc sản xuất nước đá tại gia đình chị cho đến nay rất tốt, chưa có sự cố mất điện xảy ra nên gia đình chị rất yên tâm sản xuất”.
Thắp sáng ươc mơ
Trong niềm vui chung của người dân trên đảo, các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Quang Trung đang được tiếp thêm sức sống mới. Các em học sinh có điều kiện học tập để thực hiện ước mơ khát vọng chính đáng của mình.
Em Trần Tú Tiêm – học sinh lớp 6 trường THCS Quang Trung nói: “Từ khi có điện quốc gia, lớp học chúng em được dùng quạt mát mỗi ngày; chúng em cũng được học những bài giảng trên màn hình tivi rất sinh động mà trước đây em chưa được học. Mùa đông đến, em không phải lo sợ lớp học bị tối vì đã có đèn điện chiếu sáng”.
Trẻ em trên đảo bắt đầu được học những bài giảng trên thiết bị điện tử
|
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên có thể đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo bước phát triển mới cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng hải đảo còn lắm gian khó này. Là một trong những giáo viên còn trẻ và tâm huyết với việc giảng dạy trên xã đảo, cô giáo Vũ Thị Thu Sương cho biết: Có điện, giáo viên chúng tôi có thể thực hiện việc soạn giáo án điện tử, thay cho việc viết tay trước đây. Chúng tôi cũng có thể áp dụng công nghệ thông tin vào việc truyền đạt kiến thức cho học sinh như sử dụng máy đèn chiếu projector, màn hình máy vi tính giúp các em tiếp cận thông tin trực quan, sinh động và nhanh hiểu bài hơn.
Thầy hiệu trưởng trường THCS Quang Trung Nguyễn Văn Thanh phấn khởi cho biết: Nhà trường đang có kế hoạch đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn như: Xây dựng các phòng tin tạo điều kiện để các thầy cô có thể tham gia các cuộc thi của ngành, các cấp tổ chức về e learning, cũng như tổ chức cho các em luyện tập để thi olympic giải toán, tiếng anh trên mạng; mua sắm màn hình tivi lớn để kết nối hệ thống công nghệ, giúp các thầy cô giáo dạy trên máy để các thầy và trò nhà trường yên tâm hơn nâng cao chất lượng dạy và học theo kịp với các trường trên đất liền.
Cù Lao Chàm đang từng bước phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc sử dụng điện trên đảo sẽ ngày càng tăng mạnh. Để phục vụ tốt nhu cầu dùng điện của người dân trên đảo, thời gian qua cùng với việc xây cáp ngầm đưa điện ra đảo, ngành điện cũng đã thay mới toàn bộ công tơ đo đếm bằng điện tử, giúp người dân cải tạo đường dây điện vào nhà và hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Điện lực Hội An cũng hình thành đội quản lý điện tại đảo Cù Lao Chàm để thuận tiện phục vụ và giải quyết kịp thời yêu cầu của khách hàng dùng điện trên đảo. Với những điều kiện thuận lợi này, Cù Lao Chàm đang mở ra những cơ hội kêu gọi đầu tư. Có thể nói, với những động lực phát triển mà điện mang lại thì không bao lâu nữa Cù Lao Chàm sẽ khoác lên mình diện mạo mới.