Phó Giáo sư Alistair Sproul cho hay: "Australia có nguồn năng lượng vô tận nhưng hiện nay chúng ta chưa tận dụng được tối đa hiệu suất, vẫn còn lãng phí quá nhiều. Chúng tôi đang thu thập dữ liệu để tìm ra biện pháp tối ưu".
Các nhà nghiên cứu của dự án "Môi trường sống ít carbon" này hiện đang thiết kế một số hệ thống xử lý năng lượng tái chế có thể cung cấp thông tin cụ thể về tính hiệu quả cũng như chi phí trước khi đưa ra thị trường.
Theo các nhà nghiên cứu, mái nhà pin mặt trời sẽ thu được nhiều năng lượng từ mặt trời, trước mắt sẽ đảm bảo điện năng cho hệ thống sưởi ấm không khí cũng như hệ thống nước nóng trong nhà.
Thông thường, các tấm pin mặt trời hiện có trên thị trường hoạt động theo nguyên lý chuyển hóa năng lượng của ánh sáng mặt trời thành điện năng nhưng có sự lãng phí lớn do thiết kế chưa hợp lý.
Để khắc phục nhược điểm này, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học New South Wales đã thiết kế một khoảng trống phía sau tấm pin, giúp không khí được làm nóng ở nhiệt độ phù hợp là 25 độ C. Bên cạnh đó, các tấm pin được gia cố đặc biệt để có thể hợp thành một mái nhà chắc chắn.
Theo báo chí Australia, nước này rất chú trọng tới các công nghệ xanh nhằm vừa phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nhưng cũng đồng thời có thể bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Gần đây, Australia và Mỹ đã cùng nhất trí đẩy nhanh chương trình liên kết nghiên cứu giữa hai nước nhằm tìm ra phương pháp hạ thấp chi phí cho các nhà máy điện mặt trời. Phía Australia sẽ đóng góp 50 triệu AUD cho Chương trình hợp tác này.