Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết sách khởi đầu có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề cho các dự án điện hạt nhân tiếp theo. Trong hoàn cảnh là một nước mới bắt đầu xây dựng điện hạt nhân, ngoài các yếu tố về nhân lực, pháp quy an toàn, tài chính…, yếu tố đồng thuận xã hội là rất quan trọng.
Chính vì vậy, để có được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các địa phương có địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải được tiến hành bài bản, sâu rộng, có tính chiến lược lâu dài, hướng đến một cách phù hợp với từng đối tượng công chúng cụ thể.
Định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030 theo Đề án số 370 về Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2013 đã nhấn mạnh: Hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân phải đảm bảo kịp thời, minh bạch, được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng triển khai thông tin tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân đến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ đó tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, góp phần tạo nên sự thành công của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo nội dung của Đề án, các nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan này được phân cấp cụ thể: Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân; nghiên cứu xây dựng một số trung tâm thông tin, truyền thông điện hạt nhân khác theo yêu cầu phát triển của chương trình điện hạt nhân; xây dựng và vận hành Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại Hà Nội với chức năng phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông; xây dựng và vận hành Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại Hà Nội với chức năng phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Người dân Ninh Thuận tham quan Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh Huyền Thương
|
Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trực tiếp phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền tại tỉnh Ninh Thuận, khu vực miền Trung và trong cả nước.
Qua đó, các cơ quan quản lý đã phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương để tuyên truyền chính sách nhất quán của Việt Nam về điện hạt nhân, đồng thời cung cấp thông tin xác thực về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới, để công chúng hiểu rõ tại sao Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân.
Đặc biệt, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam được quy định trong Luật, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thống nhất và tập trung quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân trên phạm vi cả nước và là cơ quan thường trực cho Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Tiếp đó là Cục Năng lượng nguyên tử với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, chủ trì thực hiện đề án thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực này.
Bà Lâm Thị Hà Mi, Phòng Pháp chế và Thông tin, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết: Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm có hàng chục hội thảo trong nước và hội thảo quốc tế do các ban, ngành và cơ quan quản lý nhà nước tổ chức liên quan đến chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong đó có nhiều hội thảo trực tiếp về thông tin, truyền thông điện hạt nhân hoặc gián tiếp phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân thông qua các nội dung. Như an toàn, an ninh hạt nhân, công nghệ xử lý thải, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở pháp lý, lựa chọn địa điểm, tính cạnh tranh kinh tế của điện hạt nhân, vấn đề di dân giải phóng mặt bằng…
Các cuộc hội thảo này là một nguồn cung cấp thông tin chính xác và khách quan về chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, cho nhiều nhóm đối tượng công chúng khác nhau. Bên cạnh đó, các cuộc triển lãm quốc tế về điện hạt nhân cũng được tổ chức thường xuyên theo định kỳ hai năm một lần, với sự tham gia của rất nhiều nước có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Mỹ, Canada, Bungari, Trung Quốc, Ấn Độ…
Hoạt động xuất bản ấn phẩm liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước phát hành gồm có Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Bên cạnh việc cung cấp thông tin thường xuyên về các hoạt động của Cục, tin tức sự kiện trong và ngoài nước, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Cục đã tiến hành in một số tờ rơi về cảnh giác mất nguồn phóng xạ, thường thức cơ bản về nguồn phóng xạ, nhận biết và xử lý bước đầu tổn thương bức xạ do tai nạn, sự cố bức xạ và giới thiệu về Cục…
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã biên soạn và xuất bản Báo cáo hàng năm công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân. Đây là tài liệu mà cơ quan pháp quy hạt nhân phải báo cáo hàng năm lên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Ban chỉ đạo nhà nước điện hạt nhân, Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, Hội đồng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, các Bộ, ngành và các đối tượng có liên quan.
Tháng 6/2013, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xuất bản ra mắt bạn đọc Tập san Pháp quy hạt nhân số đầu tiên. Với mục tiêu trở thành một kênh thông tin hiệu quả phục vụ các cấp lãnh đạo và nhân dân về các vấn đề an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân. Từ đó đến nay, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã cho xuất bản Tập san định kỳ 3 số hàng năm. Cũng trong năm 2013, Cục Năng lượng nguyên tử đã xuất bản 2 tài liệu phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân: Điện hạt nhân-những hiểu biết cơ bản; Ấn phẩm Năng lượng và Năng lượng hạt nhân
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức hội thảo về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới, các vấn đề liên quan đến điện hạt nhân; hợp tác chặt chẽ với báo chí tổ chức họp báo, cung cấp thông tin và tài liệu cho báo giới về những sự kiện và tin tức quan trọng liên quan đến năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; tổ chức đối thoại trực tiếp và trao đổi thông tin trên truyền hình, báo điện tử…
Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 460 về việc triển khai Kế hoạch tổng thể Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của IAEA và nhiều chuyên gia từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.
Sau khi Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan, hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch thực hiện Đề án năm 2014 đúng thời hạn. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Đề án 370 để đảm bảo đúng tiến độ, thống nhất và hiệu quả.
Trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử, nhằm mục đích phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho công chúng nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng. Trung tâm được đặt tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đến nay đã có hàng chục nghìn lượt người vào tham quan, học tập và nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức tại Trung tâm, góp phần vào việc thực hiện chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân ở Việt Nam.
Tại Ninh Thuận, với sự chủ trì của Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các trường phổ thông cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh như tham quan lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt; tổ chức giao lưu tại Chương trình tư vấn mùa thi; tặng quà, thi tìm hiểu về điện hạt nhân…Các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về điện hạt nhân và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, đặc biệt là của nhân dân địa phương đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.