Thái Bình: Đi đầu trong điện khí hóa nông thôn

Xác định cơ sở hạ tầng “điện - đường - trường - trạm” phải đi trước một bước, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp và đến nay 100% số hộ dân trên toàn tỉnh đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước sớm hoàn thành chương trình Điện khí hóa nông thôn.

Lắp đặt điện, xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

Phát triển nhanh các dự án lưới điện nông thôn

Thái Bình sớm phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó có điện. Đến nay, lưới điện trung và hạ áp đã được phủ kín đến tận thôn/xóm và các hộ dân nông thôn, với 100% số hộ dân được dùng lưới điện quốc gia. Cơ sở hạ tầng lưới điện đi trước đã phần nào đáp ứng nhiệm vụ cung cấp điện cho các xã, đơn vị và cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Kế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn về đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện với tổng kinh phí gần 890 tỷ đồng như: Dự án Lưới điện phân phối nông thôn phần trung áp đợt 1 và 2; Dự án REII phần trung áp đợt 1 và 2 triển khai ở 80 xã; Dự án REII phần hạ áp đợt 1 và 2 triển khai ở 84 xã…

Hàng năm, ngành Điện cũng cấp kinh phí từ 8 - 10 tỷ đồng cho sửa chữa thường xuyên, 20 - 30 tỷ đồng cho sửa chữa lớn và khoảng 100 tỷ đồng cho đầu tư, xây dựng…

Ngoài ra, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, nhiều dự án mới đã được triển khai góp phần hiện đại hóa nông thôn Thái Bình như: Vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đầu tư cải tạo lưới điện trung thế của tỉnh với tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng. Dự án hoàn thành được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tích cực tháo gỡ khó khăn

Từ năm 2011 đến nay, ngành Điện đã phối hợp với 150 xã để hỗ trợ về nhân công thực hiện khảo sát, lập phương án kỹ thuật, dự toán, giám sát thi công việc dịch chuyển đường dây, tháo lắp lại dây dẫn hộp công tơ… bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, 100% các xã đã đạt tiêu chí số 4 (về điện).

Ông Phạm Ngọc Kế chia sẻ, mặc dù Thái Bình phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện từ rất sớm, nhưng hiện nay, tỉnh vẫn gặp khó khăn bởi phần lớn lưới điện phân phối được xây dựng từ trước năm 1995 và xây dựng vận hành ở 2 cấp điện áp là 35 kV và 10 kV. Trong khi đó, hiện nay phần lưới điện phân phối đang dần được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn 22 kV. Do đó, việc chuyển đổi thành lưới theo quy chuẩn 22 kV gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi vốn lớn để cải tạo lưới 10 kV thành 22 kV và bổ sung nguồn cấp điện đầu phân áp 22 kV.

Để giải quyết vướng mắc trên, Sở Công Thương đã phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan lập Quy hoạch Phát triển Điện lực tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 và trình UBND tỉnh Thái Bình và Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2017.


  • 09/02/2017 02:15
  • Theo Báo Công Thương
  • 11032