Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gửi công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng phá thế bế tắc cho các dự án điện quan trọng này.
Ách tắc vì… mặt bằng!
Không phải đến bây giờ, câu chuyện các dự án điện “dậm chân tại chỗ” vì mặt bằng mới được bàn đến. Ngược lại, đây gần như đã là chuyện “biết rồi, khổ lắm”, nhưng vẫn cứ phải… “nói mãi”! Nghịch lý “mặt bằng trói tiến độ” khiến ngành Điện đã khó, nay càng khó hơn, khi phải đối diện nguy cơ thiếu nguồn cục bộ cho các tỉnh miền Nam.
Ông Trần Quốc Lẫm – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết: Hiện có 3 dự án truyền tải 500 kV đặc biệt quan trọng do EVN NPT làm chủ đầu tư đang bị ách tắc tại miền Nam do không thể giải phóng được mặt bằng. Cụ thể, đó là các dự án đường dây (ĐZ) 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây có 159 vị trí cột đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; ĐZ 500 kV Sông Mây - Tân Định có 93 vị trí cột đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, ĐZ 500 kV Phú Lâm - Ô Môn có 83 vị trí cột đi qua thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Đây là các dự án truyền tải đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo truyền tải điện Bắc – Nam cho các tỉnh miền Nam vốn không đủ nguồn cung tại chỗ.
Tuy nhiên, toàn bộ các dự án này đều đã phải lùi, hoãn tiến độ so với kế hoạch vì các vị trí cột không có mặt bằng để triển khai. “Chính xác hơn là chưa thể giải phóng được mặt bằng để triển khai” – ông Lẫm nhấn mạnh.
Được biết, riêng địa bàn TP. HCM, hiện toàn bộ 83 vị trí cột của dự án ĐZ 500 kV Phú Lâm – Ô Môn đi qua các quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đều đang ách tắc. Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) khẳng định, đây không phải là dự án duy nhất chậm tiến độ do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng…
“Để đảm bảo tiến độ các dự án trên theo kế hoạch, EVN NPT đã phải huy động mọi nguồn lực để giải quyết các khó khăn về vốn. Vậy mà chỉ vì một số vị trí cột đi qua các địa bàn 8 tỉnh Tây Nguyên và miền Nam ách tắc, mọi nỗ lực của EVN NPT thành vô nghĩa! Nguy cơ thiếu điện cục bộ cho các tỉnh miền Nam sẽ ngày càng lớn hơn, nếu các dự án này không giải quyết được vướng mắc về mặt bằng” – ông Trần Quốc Lẫm phân tích.
Dự án ĐZ 500 kV có nhiều vị trí cột đi qua Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị chậm tiến độ do khâu GPMB - Ảnh: PV
|
“Hóa giải” thế nào?
Để tạo điều kiện cho ngành Điện triển khai các công trình lưới điện cấp bách trên địa bàn TP.HCM, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7824/VPCP-KTN ngày 04/11/2011 và văn bản số 850/VPCP-KTN ngày 22/06/2012, thông qua danh mục các công trình lưới điện 500/220/110 kV cấp bách cấp nguồn điện cho TP. HCM và cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân TP. HCM cũng đã cho thành lập tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án của ngành điện trên địa bàn thành phố (tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 13/03/2013)...
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều dự án trọng điểm cấp điện cho TP. HCM trong những năm tới bị chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ thiếu điện đang đe dọa TP. HCM – ông Phạm Quốc Bảo – Phó tổng giám đốc EVN HCMC chia sẻ.
Theo ông Bảo, những nút thắt trong khâu giải phóng mặt bằng các dự án điện trên địa bàn TP. HCM chủ yếu nằm ở công tác thỏa thuận tuyến, chi phí đền bù không được người dân chấp thuận do đơn giá bồi thường còn thấp hơn so với kỳ vọng của người dân, điển hình như dự án Trạm biến áp 110 kV Hóc Môn 2.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng còn nằm ở nhiều khâu mà tự thân EVN HCMC không thể giải quyết được. Đó là do công tác thỏa thuận tuyến phải thông qua nhiều cơ quan quản lý hạ tầng nên thường kéo dài về thời gian. Ngoài ra, do các ban ngành trên địa bàn thành phố thường yêu cầu ngành Điện đầu tư lưới cung cấp điện bằng cáp ngầm, trong khi chi phí đầu tư cáp ngầm rất cao (gấp 6-7 lần đường dây nổi), tạo áp lực cho việc huy động vốn đầu tư và ảnh hưởng đến giá thành giá điện nên khó thực hiện.
“Đối với các dự án ĐZ 500 kV đi qua địa bàn TP. HCM, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Điện đã nhanh chóng phối hợp cùng UBND thành phố và các ban ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ. Trên cơ sở vì lợi ích chung, EVN HCMC cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng với chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất để dự án này được “khơi thông” theo đúng tiến độ mà Thủ tướng đã yêu cầu” – ông Bảo khẳng định.
Tuy nhiên, để nghịch lý “mặt bằng trói tiến độ” được hóa giải một cách triệt để, tạo điều kiện cho các dự án điện được triển khai thuận lợi, rất cần những giải pháp mang tính đột phá. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, ngành Điện mới có thể đảm bảo các dự án “về đích” đúng hẹn.
“Chính quyền địa phương khi phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, cần xem xét bố trí quỹ đất và hướng tuyến cụ thể cho các dự án đã có trong qui hoạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến của các dự án sau này. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí quỹ nhà, đất tái định cư, nhằm đảm bảo điều kiện và tiến độ thực hiện các dự án theo quy hoạch.” – ông Bảo kiến nghị.
Công điện số 940, ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- UBND các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lak, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM: Bàn giao mặt bằng dự án ĐZ 500 kV Pleiku - Mỹ Phước – Cầu Bông trước ngày 15/7/2013, hoàn thành bồi thường hành lang tuyến trước ngày 15/8/2013.
- UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án ĐZ 500 kV Sông Mây – Tân Định trước ngày 15/7/2013, hoàn thành giải phóng mặt bằng ĐZ 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây trong tháng 7/2013.
- UBND TP.HCM: Bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại của ĐZ 500 kV Sông Mây – Tân Định trước ngày 15/7/2013, hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 8/2013.
|