Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
|
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nguồn năng lượng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt hiện nay?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều yếu tố biến động đối với thị trường năng lượng quốc tế do các xung đột địa chính trị, địa kinh tế đã gây ra những khó khăn về nguồn cung năng lượng sơ cấp và ảnh hưởng đến những nước phải nhập khẩu nguồn cung như Việt Nam. Do đó, trong năm nay và các năm sắp tới việc đảm bảo về an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện sẽ là vấn đề cần phải giải quyết rất nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó thì việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã, đang và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giúp bảo tồn các nguồn năng lượng không tái tạo được của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng rất cao (chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng cả nước) thì việc đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện sẽ đóng vai trò rất quan trọng và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương, của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay và các năm sắp tới, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm năng lượng ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Việt Nam đã quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả từ rất sớm, từ năm 2003 đã có Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đến năm 2010 đã có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kèm theo đó là những Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (Chương trình VNEEP), Chương trình tiết kiệm điện quốc gia đã được triển khai khá mạnh và trong thời gian rất sớm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thành tích đã đạt được thì hiện trạng sử dụng năng lượng chưa hiệu quả vẫn đang còn tồn tại. Nhưng nói ngược lại thì dư địa về tiết kiệm năng lượng của nước ta đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp còn rất lớn, nguyên nhân là Việt Nam đi lên từ một nước có nền công nghiệp tương đối lạc hậu, nhiều hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất, dây chuyền công nghệ đã sử dụng từ giai đoạn rất lâu trước đây, dẫn đến hiệu suất năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp. Để thay thế các hệ thống công nghiệp lạc hậu bằng những công nghệ mới tiên tiến có hiệu suất năng lượng cao thì cần có thời gian và nỗ lực rất nhiều từ nguồn lực doanh nghiệp cũng như là các nguồn lực từ xã hội.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp, trong giai đoạn tới, cần có những cơ chế đẩy mạnh những giải pháp và tháo gỡ các cơ chế khó khăn cho doanh nghiệp nhất là các cơ chế về tài chính để giúp các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%.
|
PV: Thực hiện tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn để đầu tư, chuyển đổi công nghệ, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang triển khai các nhiệm vụ của Chương trình VNEEP từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Trung ương. Ngoài ra, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cũng bố trí các nguồn vốn địa phương để thúc đẩy các cái giải pháp, hoạt động và tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Những giải pháp đang thực hiện ở trong khuôn khổ của Chương trình VNEEP bao gồm: Tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; Xây dựng các mô hình quản lý năng lượng và hỗ trợ kiểm toán năng lượng... thông qua đó giúp doanh nghiệp nhận định được các khâu sử dụng năng lượng chưa hiệu quả và đánh giá về cơ hội, khả năng để đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các đối tượng sử dụng điện và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng được Bộ Công Thương đẩy mạnh, ví dụ như những khóa đào tạo nâng cao về kiểm toán năng lượng, công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng,... Thông qua các khoá đào tạo này, Bộ Công Thương mong muốn tạo được thị trường tiết kiệm năng lượng để những đơn vị cung cấp dịch vu, cung cấp các giải pháp quản lý, giải pháp công nghệ có thể tiếp cận với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng nhất là những doanh nghiệp công nghiệp để thúc đẩy các dự án đầu tư về tiết kiệm điện tiết kiệm năng lượng theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang triển khai những dự án ODA do các tổ chức quốc tế và các nước phát triển tài trợ. Một trong những dự án ODA đang được Bộ Công Thương triển khai là Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VSUEE), dự án này do Quỹ khí hậu xanh tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới. Trong dự án VSUEE, ngân hàng thế giới được giao quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro với kinh phí là 75 triệu USD, thông qua quỹ này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng theo hình thức bảo lãnh vốn vay lên đến 50% (Ví dụ: doanh nghiệp vay vốn 1 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thì có thể tiếp cận quỹ để nhận được khoản bảo lãnh lên đến 500 nghìn USD). Triển khai Dự án VSUEE, Bộ Công Thương cũng thông qua mạng lưới tư vấn chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đánh giá cơ hội đầu tư, kiểm toán năng lượng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Bộ Công Thương hi vọng rằng với các nguồn lực từ Chương trình VNEEP và từ các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động và dự án ODA sẽ hỗ trợ được hiệu quả cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, cơ chế cụ thể hơn để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên quy mô lớn hơn trong giai đoạn tới để giúp cho Việt Nam hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức trung hòa Cacbon vào năm 2050.
PV: Bộ Công Thương đã đề xuất cơ chế gì để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Theo nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050 có giao cho Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Công Thương đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đánh giá và đề xuất kiến nghị sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Nếu được Chính phủ và Quốc hội thông qua thì Bộ Công Thương sẽ tiến hành các bước để sửa đổi các nội dung của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng sẽ tăng cường phạm vi cũng như hiệu lực, hiệu quả của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các ngành và các lĩnh vực của nền kinh tế giai đoạn tới.
Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng
|
PV: Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng (Điều chỉnh lại khung giờ sản xuất, thay đổi công nghệ, lắp các thiết bị biến tần, tuần hoàn, sử dụng nhiên liệu sinh khối, tận dụng nhiệt thừa để phát điện...), ông có đánh giá gì về xu hướng này?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Hiện nay, doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, điều này cho thấy rằng doanh nghiệp đang có ý thức tốt hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của chính sách và luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu thì yêu cầu của thị trường các nước phát triển như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam như dán nhãn carbon, kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng ngày càng được đẩy mạnh và hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng đang quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Tôi cho rằng đây là một xu hướng không thể đảo ngược và sẽ diễn ra rất nhanh, do đó Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị để tham gia vào cuộc chơi về "no carbon" trên phạm vi toàn cầu.
Với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thì Bộ Công Thương cần phải tham mưu cho chính phủ, các cấp có thẩm quyền để xây dựng và đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện được các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PV: Bộ Công Thương đang và sẽ triển khai các giải pháp gì để kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP 26?
Ông Trịnh Quốc Vũ: Đối với giải pháp về kiểm toán năng lượng, Bộ Công Thương đã thực hiện từ rất sớm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 và hiện nay đang tiếp tục thực hiện trong khuôn khổ của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Đối với việc kiểm kê khí nhà kính, Bộ Công Thương đã triển khai ở trong khuôn khổ pháp lý của luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành danh sách các cơ sở phát thải lớn hàng năm, trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương thì đối với các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại năng lượng, hàng năm bộ Công Thương đã tiến hành công tác thu thập và báo cáo về các cơ sở phát thải lớn.
Sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công tác kiểm tra, giám sát cũng như hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và luật bảo vệ môi trường trong việc thống kê và báo cáo đầy đủ mức năng lượng tiêu thụ và các mức khí nhà kính phát thải ra môi trường. Bằng cách đó sẽ giúp thống kê đầy đủ được về hiện trạng cũng như tiềm năng phát thải khí nhà kính và có những cái giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng trong cái giai đoạn từ nay đến 2030 và định hướng là đến 2050 để đạt được mục tiêu là các thể dòng bằng 0.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!