Thiếu nước và khả năng cung ứng điện căng thẳng trong năm 2013

Chiều nay (16/1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có buổi trao đổi về kế hoạch cấp nước và cấp điện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2013 cho các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ với một số cơ quan báo chí; đồng thời cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình cung ứng điện mùa khô trong năm 2013.

3 miền đối diện với khô hạn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương: Mùa lũ năm 2012, ở Bắc bộ dòng chảy đến các sông Bắc Bộ đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 34%, trong đó vào tháng 6 và tháng 9/2012 lượng nước thiếu hụt nhiều nhất từ 40-55% lưu lượng. Đặc biệt dòng chảy các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đều thấp hơn trung bình nhiều năm so với cùng kỳ khoảng 57%.

Mặc dù đã chủ động tích nước các hồ sớm, nhưng đến ngày 31/12/2012, mực nước các hồ thủy điện lớn trong cả nước vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tổng lưu lượng nước tại các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng trên 5,297 tỷ m3, trong đó miền Bắc hụt khoảng 1,9 ty m3 và miền Trung thiếu hụt khoảng 2,6 tỷ m3.

Theo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn các tháng tiếp theo của năm 2013 trong tình trạng kéo dài, thiếu nước và khô hạn cục bộ tại 3 miền diễn ra trên diện rộng và gay gắt, đặc biệt ở miền Trung và Nam Trung Bộ.

Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại cuộc họp với các các cơ quan báo chí về kế hoạch cấp nước và cấp điện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2013 cho các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ

Xả khoảng 5 tỷ m3  trong 3 đợt

Để đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân 2013 tại các tỉnh Trung du, đồng bằng Bắc bộ gieo cấy khoảng 640.000 ha, trong đó diện tích đất phải dùng bơm nước tưới tiêu khoảng 460.000 ha. Bộ NN&PTNT và EVN đã thống nhất lịch lấy nước để các tỉnh làm đất gieo cấy thành 3 đợt với tổng số ngày lấy nước là 17 ngày.

Đợt 1: Thời gian lấy nước từ 1h ngày 25/1 đến 23h ngày 29/1/2013; Đợt 2: Thời gian lấy nước từ 1h ngày 4/2 đến 23h ngày 9/2/2013; Đợt 3: Thời gian lấy nước từ 1h ngày 19/2 đến 24/2/2013. Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại các trạm thủy văn Hà Nội duy trì ở mức trên 2,2m.

Theo Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An, để đảm bảo đúng thời điểm lấy nước theo mức nước sông Hồng, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ thực hiện tăng xả nước qua phát điện trước 3 ngày và giảm trước 1 ngày. Theo tính toán của EVN, tổng lưu lượng xả nước từ 3 hồ thủy điện trung bình khoảng 2.500 m3/s, trong đó lưu lượng xả vào các ngày đầu mỗi đợt xả có thể ở mức 2.800-2.900 m3/s. Tổng lưu lượng nước xả cả 3 đợt với dự kiến gần 5 tỷ m3, tương ứng với sản lượng điện khoảng 1,2 tỷ kWh.

Để đảm bảo kế hoạch cấp nước và cấp điện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2013, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án khai thác các nhà máy thủy điện phù hợp với thời gian và nhu cầu xả nước. Các đơn vị phân phối điện sẵn sàng kế hoạch cung ứng điện an toàn liên tục cho các trạm bơm, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Ngày 17 và 18/1/2013, EVN sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc về công tác này.  

Năm 2013: Thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh

Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 đã được Bộ Công Thương phê duyệt: Tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc năm 2013 là 133,441 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2012, trong đó, mùa khô lên tới 64,137 tỷ kWh (chiếm 48%) tổng sản lượng của cả năm.

Cơ cấu sản lượng điện theo các mùa, nguồn thủy điện là 53,94 tỷ kWh; nguồn điện than là 29,403 tỷ kWh; sản lượng điện turbin khí là 44,349 tỷ kWh; sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,972 tỷ kWh. Riêng nguồn điện dầu huy động năm 2013 của cả nước dự kiến đạt 1,57 tỷ kWh (trong đó mùa khô là 1,113 tỷ kWh).

Nhận định về cung cầu điện năm 2013, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết: Hệ thống điện đủ khả năng cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân nếu như không xuất hiện các tình huống quá bất thường. Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn tại miền Trung và Tây Nguyên kéo dài và việc các hồ thủy điện không tích nước đầy hồ vào cuối năm 2012, sản lượng điện cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh. Bên cạnh đó, việc cung cấp điện ở khu vực miền Nam sẽ căng thẳng do không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành, trong khi năng lực truyền tải qua các đường dây 500 kV, 220 kV đang bị giới hạn.

Để đảm bảo điện cho mùa khô 2013, EVN dự kiến sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO. Nếu như việc huy động sản lượng điện chạy dầu với giá dầu như hiện nay là 17.650 đồng/kg, chi phí phát sinh do phát điện bằng dầu của EVN sẽ tăng lên trên 1.964 tỷ đồng. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 kWh điện bằng dầu sẽ mất chi phí gần 5.000 đồng/kWh, trong khi đó giá bán điện trung bình hiện nay ở mức 1.400 đồng/kWh. Như vậy, sức ép giá điện chạy bằng dầu là rất lớn.

Cùng với các giải pháp quyết liệt của EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2013, Phó tổng giám đốc EVN đề nghị các cơ quan truyền thống tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện. “Nếu như mỗi người dân thực hiện tiết kiệm 1 kWh điện, quy đổi với giá điện chạy bằng dầu như hiện nay, chúng ta đã tiết kiệm từ 4.000 -5.000 đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho việc cung ứng điện, đồng thời còn là hành động tiết kiệm tài nguyên quốc gia” - Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An nói.

 

 


  • 16/01/2013 07:53
  • Lương Nguyên
  • 3257