Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù phụ tải hệ thống điện có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước với tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu cao hơn 1,28% so với kế hoạch và cao hơn 12,31% so với cùng kỳ năm trước.
Về việc áp dụng giá bán điện bậc thang cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương khẳng định - với giá điện bậc thang tăng dần, nhằm phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân, để khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy tính hiệu quả và vẫn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Những thắc mắc, kiến nghị của người dân về giá điện được ngành Điện giải thích rõ - Ảnh Minh Ngọc
|
Về nguyên nhân chủ yếu hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong các tháng 5 và 6, Bộ Công Thương chỉ rõ nguyên nhân thời gian qua tình hình thời tiết nước ta rơi vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn bất thường, nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt rất lớn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện đạt ở mức cao.
Cụ thể, tháng 5, phụ tải sinh hoạt hơn 3,6 tỷ kWh, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tháng 6 là 4,2 tỷ kWh, tăng 12,19%. Thống kê sản lượng điện sinh hoạt trong các năm từ 2011 - 2015 cho thấy, trong tháng 5 và 6/2015, sản lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt luôn tăng cao hơn các tháng còn lại trong năm. Cụ thể, tăng lần lượt là 17,7% và 36,7% so với tháng 3/2015. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hóa đơn tiền điện trong các tháng nắng nóng luôn cao hơn so với các tháng đầu năm.
Tại Thủ đô Hà Nội, nắng nóng kéo dài liên tục từ đầu tháng 5/2015 đến hết tháng 6/2015, nhiệt độ tăng cao trên 33 độ C và có ngày lên trên 40 độ C, thậm chí nhiệt độ đo được ngoài trời có lúc lên đến 45 - 48 độ C. đặc biệt tập trung vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khiến chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời rất cao, từ đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát cũng tăng cao.
Bên cạnh đó, tháng 5 và 6 là thời gian nghỉ hè của học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và các giáo viên, nên nhiều hộ gia đình sử dụng điều hòa cả ban ngày và ban đêm. Kỳ ghi chỉ số hóa đơn tiền điện của các khách hàng sinh hoạt thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội quản lý chủ yếu từ ngày 5 đến 25 hàng tháng, nên hóa đơn tiền điện của tháng 5 rơi vào những ngày cao điểm nhất của nắng nóng, sản lượng tăng cao so với tháng liền kề. Nhiều trường hợp sản lượng tăng từ 1,5 đến 3 lần dẫn đến tiền điện phải trả tăng đột biến.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho thấy, trong tổng số 2.158.260 khách hàng, số khách hàng sử dụng điện trong tháng 5/2015 tăng 1,5 lần trở lên so với tháng 4 chiếm 12,74%; tháng 6 chiếm 31,26%.
Để nâng cao tính minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ điện, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đang triển khai hình thức ghi chỉ số công cơ bằng máy tính bảng phối hợp với bộ thiết bị ghi chỉ số cho 29/30 Công ty Điện lực với 1.129 thiết bị, áp dụng cho trên 500 nghìn khách hàng. Trong kỳ hóa đơn tháng 7 này, dự kiến số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp trên là trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ trên 40%. Trong thời gian tới, Tổng công ty cũng tiếp tục đầu tư, trang thiết bị giám sát việc ghi chỉ số công tơ, bằng chứng để giải đáp thắc mắc của khách hàng cho tất cả các Công ty Điện lực nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ.
Bộ Công Thương cho biết, tháng 5/2015, trong tổng số 181.216 thắc mắc, kiến nghị của khách hàng thuộc 5 Tổng công ty điện lực, có 1.868 trường hợp liên quan đến hóa đơn; tháng 6 có 3.505 trường hợp liên quan đến hóa đơn trong tổng số 151.788 thắc mắc, kiến nghị. Các trường hợp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện đều được các Tổng công ty giải quyết và trả lời kịp thời.
Theo quy trình kinh doanh của EVN, tất cả các trường hợp điện năng tiêu thụ bất thường từ 30% trở lên, nhân viên ghi chỉ số công tơ phải kiểm tra, xác nhận, đồng thời trong thời điểm nắng nóng, giám đốc các đơn vị điện lực phải tổ chức phúc tra chỉ số và giải quyết kiến nghị của khách hàng. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo các đơn vị chủ động làm việc với các cơ quan báo chí để có địa chỉ chính xác của khách hàng kiểm tra và xử lý kịp thời.
Ngay từ đầu tháng 4/2015, để chuẩn bị cho việc cấp điện mùa hè năm nay, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN và các Tổng công ty Điện lực kiểm tra lưới, đảm bảo không để sự cố quá tải khi nắng nóng, không tiến hành sửa chữa trong những ngày nắng nóng. Các đơn vị nghiêm túc không đưa lịch thay công tơ định kỳ trong thời gian nắng nóng tháng 5 và 6; chú trọng kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ tăng, giảm đột biến; tăng số lượng khách hàng sử dụng điện nhận được tin nhắn về các thông tin liên quan đến hóa đơn tiền điện…
Thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Bộ Công Thương, từ năm 2016 thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm, khách hàng lớn nối lưới truyền tải điện sẽ được phép mua điện từ các nhà sản xuất điện độc lập. Từ năm 2019 trở đi, khi thị trường bán buôn điện chính thức vận hành, các khách hàng lớn ở các cấp điện áp khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu cho phép mua điện từ nhà sản xuất điện độc lập. Từ năm 2021, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động, tất cả các khách hàng mua điện sẽ được quyền lựa chọn người bán.