Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ, một trong bốn mục tiêu chính của các tỉnh, thành phố khu vực này là phát triển 5 trụ cột kinh tế gồm: Ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; Du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh du lịch của Vùng; Cảng biển và các dịch vụ logistics; Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; Năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận)
|
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong thời gian qua, Tập đoàn đã không ngừng đầu tư phát triển các dự án nguồn điện tại chỗ để bảo đảm đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của các tỉnh khu vực này. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, đã có 8 dự án với tổng công suất 4.306MW được đưa vào vận hành. Với việc sản xuất, kinh doanh điện hiệu quả, các dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu điện năng mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách các địa phương.
Cùng với đó, EVN và các đơn vị trưcj thuộc đang tập trung đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đồng bộ với việc đầu tư, xây dựng nguồn điện, EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã liên tục đầu tư mở rộng lưới điện 500kV-220kV, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống và khu vực 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung nói riêng. Đối với lưới điện phân phối, các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã từng bước xây dựng hạ tầng lưới điện tiên tiến, hướng tới phát triển lưới điện thông minh trong tương lai.
Nhiều thành tựu khoa học công nghệ hiện đại đã được ứng dụng vào vận hành lưới điện như: Công nghệ sửa chữa điện không cần cắt điện (hotline), vệ sinh sứ hotline, sử dụng camera nhiệt, phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, sử dụng hệ thống tự động phát hiện và khoanh vùng sự cố điện. Qua đó, giảm tối đa thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Đây là yếu tố quan trọng, tạo động lực giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn tại miền Trung.
Chi tiết Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có file đính kèm.