Sau khi ban hành Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012), lần này Chính phủ tiếp tục thống nhất ban hành Nghị định về Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quan trọng của Nhà nước.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của 4 Tập đoàn là: Điện lực Việt Nam, Dầu khí, Dệt may, Hóa chất và 4 Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Hàng hải, Hàng không, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam do Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 205/2013/NĐ-CP, ngày 6/12/2013 tương tự như Điều lệ của các Tập đoàn, Tổng công ty trên. Đây là nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập. Nghị định quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng của chủ sở hữu Nhà nước đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm có 11 Chương và 86 điều. Điều lệ có một số điểm mới đáng chú ý so với Điều lệ trước đây. Về mô hình tổ chức: Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam có Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (sau đây gọi tắt là EVN) là doanh nghiệp cấp I, tiếp theo đó các doanh nghiệp được tổ chức gọn lại bao gồm các công ty con (doanh nghiệp cấp II) và các công ty con của doanh nghiệp cấp II (trước đây Tập đoàn có nhiều hơn 3 cấp doanh nghiệp) và các doanh nghiệp liên kết.
Bộ Công Thương quản lý trực tiếp Hội đồng thành viên Tập đoàn
Nghị định nêu rõ, Nhà nước là chủ sở hữu của EVN. Do dặc thù của ngành điện, nên việc quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, giá thành và phân phối lợi nhuận của Tập đoàn thực hiện theo quy định tại Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của EVN đang được soạn thảo trình Chính phủ quyết định (trước đây được thực hiện tại Quy chế tài chính do Bộ Tài chính phê duyệt).
Bộ Công Thương quản lý trực tiếp Hội đồng thành viên tại EVN, thực hiện 16 quyền trực tiếp như: Đề nghị Thủ tướng quyết định phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn Nhà nước; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên; Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên (trừ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (trước đây do Thủ tướng quyết định), Phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm và thông báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát…
Không thuê Tổng Giám đốc
Điều lệ cũng dành 3 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc EVN. Trong đó quy định “Tổng giám đốc EVN là thành viên Hội đồng thành viên do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng thành viên”.
Như vậy, Tổng giám đốc EVN phải là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam và không quy định việc “hợp đồng Tổng giám đốc” (thuê Tổng giám đốc), chức danh này trước đây do Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn bổ nhiệm.
Thực hiện chế độ Kiểm soát viên Nhà nước
Đặc biệt, Nghị định này dành một Mục với 9 Điều (từ Điều 37 – 45) quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện của Kiểm soát viên; chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ cũng như tiền lương, thù lao và các lợi ích khác. Đồng thời quy định về mối quan hệ giữa Kiểm soát viên với chủ sở hữu, với Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc, mối quan hệ giữa các Kiểm soát viên. Đây là điểm hoàn toàn mới so với các điều lệ cũ vì trước đây chỉ có Kiểm soát viên nội bộ, giờ đây có riêng tổ chức Kiểm soát viên độc lập với tổ chức của Tập đoàn do Nhà nước bổ nhiệm và trả lương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 3/2/2014.