Thủy điện Hòa Bình: Từ “Cao độ 81 hay là chết”, đến 175 tỷ kWh...

Thời điểm căng thẳng nhất trong quá trình xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình là phải chống lũ với khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết”. Những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình đã kiên cường vượt qua thời khắc cam go đó, rồi tiếp tục chinh phục nhiều thử thách khác trên Đại công trường này.

Ngày 14/12/2013, Công ty Thủy điện Hòa Bình kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là sự kiện không thể quên đối với mỗi con người đã và đang lao động dưới mái nhà chung: Thủy điện Hòa Bình.

Cảm xúc của hơn 30 năm trước...

Câu chuyện năm xưa vẫn còn đong đầy cảm xúc của Tiến sỹ Thái Phụng Nê, Nguyên Trưởng ban Quản lý Xây dựng Công trình Thủy điện Hòa Bình nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Công ty Thủy điện Hòa Bình đã đưa các đại biểu quay lại với hình ảnh đất nước ta ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Trong bộn bề khó khăn của đời sống vật chất, nhất là thiếu điện, việc xây dựng Thủy điện Hòa Bình khi đó có ý nghĩa “không gì cấp thiết hơn thế”.

Sau khởi công công trình vào ngày 06/11/1979, hàng vạn thanh niên từ các vùng nông thôn miền Bắc đã xung phong đến làm việc tại công trường Thủy điện Hòa Bình - công trình thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

500 kỹ sư và trung cấp kỹ thuật vừa tốt nghiệp đã được điều động, 800 chuyên gia là công trình sư, kỹ sư và công nhân lành nghề của Liên Xô đã đến công trường. Họ đã kề vai sát cánh vừa đào tạo, vừa làm, ngày ba ca bốn kíp, lao động quên mình.

“Công sức không biết bao nhiêu mà kể” đó đã được đền đáp sau 15 năm xây dựng, ngày 20/12/1994, Công trình Thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất lên tới 1.920 MW được khánh thành.

Công trình thủy điện thế kỷ trên bậc thang dưới cùng của dòng chính Đà giang đã khẳng định sức mạnh đoàn kết, hữu nghị Việt - Xô. Từ đây, công cuộc chinh phục dòng sông Đà hung dữ được tiếp tục để mang về nguồn “vàng trắng” vô tận phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Bây giờ và ngày mai

Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Cho dù hơn 20 năm đã qua, tỷ trọng sản lượng điện sản xuất của Thủy điện Hòa Bình so với toàn hệ thống đã giảm đi đáng kể từ 30 - 40% những năm đầu đi vào vận hành và năm 2012 còn khoảng 8%. Nhưng, Thủy điện Hòa Bình vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia. Bởi với ưu điểm là các tổ máy của Thủy điện Hòa Bình có khả năng chuyển đôi nhanh trạng thái giữa các chế độ làm việc nên Nhà máy luôn đảm nhận tốt vài trò điều tần và điều chỉnh điện áp, góp phần duy trì ổn định chất lượng điện năng cho cả hệ thống.

Nhiều đại biểu đến dự, trong đó có các cựu lãnh đạo là anh hùng lao động, cán bộ chủ chốt trong ngành Năng lượng Việt Nam đã từng làm việc và cống hiến cho sự phát triển của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Đặc biệt, Thủy điện Hòa Bình còn là điểm nút đầu nguồn đường dây 500 kV Bắc Nam, hệ thống kích thích các tổ máy có thể tiếp nhận tiêu thụ lượng công suất vô công rất lớn dồn về vào thấp điểm đêm (khoảng 450 - 650 MVAr), duy trì ổn định điện áp đầu nguồn trong giới hạn cho phép.

Ngoài ra, sau các tình huống sự cố tan rã lưới dẫn tới mất điện tự dùng, Nhà máy đều thực hiện khởi động đen (tự khôi phục) thành công, kịp thời cấp điện lên lưới, góp phần hỗ trợ khôi phục hệ thống điện trở lại bình thường.

Nhưng năm vừa qua, sau khi công trình Thủy điện Sơn La vào vận hành cùng tham gia cắt lũ, hiệu quả phát điện của Thủy điện Hòa Bình tăng lên rõ rệt.

Cụ thể năm 2012, 2013, dù điều kiện thủy văn không hẳn thuận lợi, tổng lượng nước về hồ chỉ bằng 84% - 90% trung bình nhiều năm, nhưng sản lượng điện vẫn đạt 9,35 và 10 tỷ kWh điện (tăng 15% - 22% so với thiết kế ban đầu), đồng thời cuối năm vẫn tích nước đầy hồ chứa (trên 115m) để chuẩn bị cấp nước cho vụ đông xuân ở miền Bắc và cấp điện trong mùa khô năm sau.

Qua 25 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Trong tương lai không xa, khi hệ thống các bậc thang thủy điện sông Đà được hoàn chỉnh, nhờ sự điều tiết bởi các hồ chứa trên, nên hiệu quả khai thác dòng chảy của Thủy điện Hòa Bình sẽ càng được nâng lên, thời gian vận hành các tổ máy cũng như sản lượng điện sẽ tiếp tục gia tăng.

Dù vậy, qua khảo sát, tính toán của các cơ quan tư vấn, Thủy điện Hòa Bình vẫn có thể khai thác lượng nước thừa trong mùa lũ và tăng thêm công suất phủ đỉnh cho hệ thống. Điều toàn thể CBCNV Công ty đang chờ đợi đó là các cơ quan có thẩm quyền xem xét đưa dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 – 720 MW) bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Dự án được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên đến nay, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã sản xuất được trên 175 tỷ kWh có nhiều năm sản lượng cao vượt thiết kế như các năm 2007, 2008, 2012, 2013 đạt từ 9 - 10 tỷ kWh

Theo Tiến sỹ Thái Phụng Nê: “Điều đáng tự hào là sau 25 năm vận hành công trình, các cán bộ, công nhân viên của nhà máy vẫn giữ nguyên vẹn tổ hợp công trình với mức độ sẵn sàng cao, xứng đáng là “Công trình thế kỷ”. Chúng ta tiếp tục chờ đợi, không chỉ 25 năm mà 30 năm, 50 năm sau, Thủy điện Hòa Bình vẫn xứng đáng với sự kỳ vọng của đất nước, của nhân dân.

Hồ chứa của Thủy điện Hòa Bình hiện có dung tích gần 10 tỷ m3, dung tích chống lũ trước đây (khi chưa có Thủy điện Sơn La) là 5,6 tỷ m3.

 

   


  • 14/12/2013 06:57
  • Vũ Lam
  • 5430


Gửi nhận xét