Không chỉ làm lợi khoảng 5.000 tỷ đồng cho ngân sách nhờ vào việc rút ngắn thời gian xây dựng, kịp thời phát điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, Thủy điện Lai Châu còn khẳng định trình độ, bản lĩnh, trí tuệ của người lao động Việt Nam. Bởi, trong 6 năm qua, đã có hơn 10 nghìn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và công nhân lao động Việt Nam thi công trên công trường, và thành tích đạt được chính là chứng nhận “Công trình chất lượng cao năm 2016” của Bộ Xây dựng.
Thuỷ điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 6/2010 và được Bộ Công thương phê duyệt Thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2011, có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng. Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên dòng chính sông Đà, gắn liền với Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình.
Thủy điện Lai Châu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, sản lượng điện bình quân ước đạt khoảng 4.7 tỷ kWh/năm. Theo kế hoạch ban đầu, Thuỷ điện Lai Châu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Nhưng, với những kinh nghiệm có được từ việc đầu tư xây dựng, hoàn thành vượt tiến độ của công trình Thủy điện Sơn La, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu trong việc di dân tái định cư... công trình đã hoàn thành vào tháng 12/2016 - sớm 1 năm so với kế hoạch.
Thủy điện Lai Châu là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện, ngành Lắp máy của Việt Nam. Đây là công trình thủy điện đa mục tiêu mang tầm vóc quốc gia đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát, quản lý vận hành. Đã có gần 1 vạn cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu.
Ở thời điểm thi công nước rút, trên công trường này đã có khoảng 8.000 người làm việc, thậm chí nhiều đơn vị phải làm việc 3 ca, 4 kíp liên tục... Các sáng kiến trong lao động được phát huy, tận dụng tối đa, trong đó, phải kể đến những sáng kiến làm lợi hơn 3 tỷ đồng của cá nhân Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 9 Nguyễn Hoàng Cường với đề tài nghiên cứu “Hệ thống phun sương bảo dưỡng tạo ẩm làm mát bê tông đầm lăn - RCC”; hay Giám đốc Ban Điều hành dự án Thủy điện Lai Châu - Vũ Hồng Trường có 5 sáng kiến cải tiến, giúp rút ngắn thời gian bàn giao mặt bằng thi công bê tông tổ máy số 3 sớm hơn kế hoạch 15 ngày, làm lợi trên 1 tỷ đồng; rồi Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Vụ - Công ty Cổ phần Sông Đà 5 có đề tài sáng kiến “Gia công mũi búa phá đục sờm bê tông và đánh sờm mặt bê tông” làm lợi cho tập thể 8 tỷ đồng; Phó Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 506 Ngô Văn Mạnh có đề tài sáng kiến “Cải tiến gông cốt pha tấm lớn” làm lợi 6 tỷ đồng... Đáng kể, đối với phía đơn vị lắp máy Lilama 10, đã có hàng chục giải pháp thiết thực, không chỉ cho lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ toàn bộ công trình này. Cho đến thời điểm hiện nay, đơn vị lắp máy có thể nói là nhà thầu thi công còn lại cuối cùng trên công trường để hoàn thành nốt các công đoạn cuối cùng của Nhà máy.
Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Lai Châu - Nguồn ảnh: EVN
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Oai - Phó Giám đốc Ban Điều hành Công ty Cổ phần Lắp máy Lilama 10 cho biết, trên công trình này, thời gian cao điểm, đã có hơn 1.200 kỹ sư, công nhân Lilama 10 tham gia thi công, với chất lượng được đánh giá cao.
Ông Hoàng Trọng Nam - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - đơn vị tiếp nhận vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu khẳng định: "Quá trình vận hành trong 2 mùa lũ vừa rồi đối với các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Lai Châu, thông qua các thông số báo hiệu của hệ thống giám sát quan trắc an toàn ổn định đập đã khẳng định công trình đang vận hành ở trạng thái an toàn, ổn định... và đây là 1 trong những tiêu chí mà chúng tôi đánh giá là công trình Thủy điện Lai Châu đã mang lại hiệu ích không những đáp ứng công suất tốt cho hệ thống điện quốc gia mà còn là một đầu mối quản lý cắt lũ, đảm bảo sử dụng tài nguyên hữu ích cho hồ Sơn La và hồ Hòa Bình”.
Có thể nói, điều mà chính quyền và người dân quan tâm nhất chính là cuộc sống của bà con nhân dân vùng dự án đã nhường đất cho việc xây dựng các công trình thủy điện. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, công tác di dân tái định cư của hơn 2.000 hộ (với gần 8.500 nhân khẩu) đồng bào các dân tộc 2 huyện Nậm Nhùn và Mường Tè cũng đã cơ bản hoàn thành. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới, song, chính quyền địa phương khẳng định, đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cho các hộ dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Trực Tết, làm ca là công việc rất đỗi bình thường của công nhân ngành Điện nói chung, của Nhà máy Thủy điện Lai Châu nói riêng, kể từ cuối năm 2015 - khi tổ máy đầu tiên của Thủy điện Lai Châu hoàn thành, phát điện. Những ngày Tết Đinh Dậu này, cả Giao thừa cũng như cao điểm Tết, trên công trình Thủy điện Lai Châu luôn có khoảng 120 cán bộ, kỹ sư trực vận hành sản xuất. Xuân đã về trên khắp các bản làng Tây Bắc. Các cán bộ, kỹ sư và công nhân đang tạm quên đi những điệu khèn, tiếng hát rộn vang núi rừng để đảm bảo vận hành công trình thủy điện lớn trên bậc thang trên cùng của dòng sông Đà hùng vĩ.
Cùng với các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La, Thủy điện Lai Châu đã minh chứng cho những kỳ tích về sức mạnh Việt Nam trong công cuộc trị thủy Sông Đà. Khoa học, công nghệ, sự sáng tạo và niềm đam mê đã tạo ra nguồn sáng từ những dòng sông. Xuân đã về sớm hơn với Nậm Nhùn và vùng cao Tây Bắc - cùng với sự vận hành sớm hơn một năm của công trình Thủy điện Lai Châu - công trình của chất lượng và bản lĩnh Việt Nam.