Thủy điện Lai Châu: Về đích sau hơn 2000 ngày gian nan

3 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã hòa lưới điện quốc gia, sau gần 6 năm kiên trì vượt khó thi công, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch. Kết quả công trình đã khẳng định, năng lực trí tuệ và bản lĩnh của những người xây dựng thủy điện Việt Nam.

Vượt khó…

Kể từ khi khởi công Dự án, đã có hàng nghìn kỹ sư, công nhân, người lao động tham gia làm việc trên công trường. Họ đã không ngại thời tiết khắc nghiệt, hăng say lao động quên mình, kiên trì bám máy, làm việc 3 ca liên tục, hoàn thành khối lượng lớn công việc với hàng chục triệu khối đất đá, hàng triệu m3 bê tông đầm lăn, bê tông thường và hàng chục nghìn tấn thiết bị các loại. 

Ông Phạm Hồng Phương – Giám đốc Ban Quản lý Dự án NMTĐ Sơn La - Lai Châu (Ban A Sơn La) cho biết, Thủy điện Sơn La là công trình lớn, nhiều đơn vị lần đầu tiên được tham gia xây dựng công trình tầm cỡ này. 

Nhớ lại những ngày đầu có mặt trên công trình xây dựng Thủy điện Lai Châu, ông Phương tâm sự, lên vùng đất Nậm Nhùn (Lai Châu) làm thủy điện là vô cùng khó khăn, gian khổ. Sóng điện thoại không có, đường sá đi lại khó khăn. Từ thị xã Mường Lay, Điện Biên vào tới công trường phải mất hơn 3 giờ. Còn nhớ, có lần Đoàn công tác của Trung ương về kiểm tra công trường. Khi vào đến nơi đã quá trưa, công nhân đã ăn cơm xong, không có thức ăn dự trữ, không có hàng quán xung quanh, chúng tôi đành “đãi khách” bằng cơm nguội với nước mắm...

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công trình thủy điện Lai Châu đã về đích trước 1 năm so với kế hoạch

Về khối lượng thi công, theo ông Phương, tuy Thủy điện Lai Châu công suất chỉ bằng ½ Thủy điện Sơn La, nhưng khối lượng thi công cũng không kém. Khối lượng đào đắp gần bằng và  khối lượng đổ bê tông bằng 70% Thủy điện Sơn La… Như vậy có thể hiểu, khối lượng thi công không tỷ lệ thuận với công suất thiết kế mà phụ thuộc vào cấu tạo địa chất tại nơi thi công công trình. 

Ngoài ra còn phải kể đến khó khăn do đập Thủy điện Lai Châu nằm ở phía cuối hồ Sơn La: đầu mùa khô, trong khi thời tiết thuận lợi cho công tác thi công thì mực nước hồ Sơn La lại cao (phải giữ nước hồ Sơn La để đảm bảo cung cấp điện cho cả mùa khô), gây khó khăn cho công tác thi công nhiều hạng mục công trình có vị trí nằm sâu dưới mực nước hồ Sơn La; cuối mùa khô, mực nước hồ Sơn La xuống thấp, gây khó khăn cho công tác vận chuyển thiết bị cho Thủy điện Lai Châu…

…Trị thủy

Đối với những người làm thủy điện Việt Nam, ý nghĩa lớn nhất của việc hoàn thành thi công xây dựng NMTĐ Lai Châu là việc trị thủy, khai thác tiềm năng thủy điện của sông Đà hung dữ. Thủy điện là nguồn điện giá rẻ, hiệu quả mà thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam. Trước đây, khi chưa có các nhà máy thủy điện trên sông Đà, mùa mưa thường xuyên diễn ra tình trạng ngập lụt đồng bằng Bắc Bộ. Mùa khô lại xảy ra tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng các đập thủy điện, giống như các bể dự trữ nước, đã giúp điều tiết nước, ngăn lũ mùa mưa, cấp nước mùa khô, đồng thời duy trì dòng chảy đảm bảo giao thông thủy.

Theo đánh giá của EVN, Thủy điện Lai Châu phát điện sớm hơn 1 năm so với yêu cầu đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, tổ máy số 1, số 2 của Nhà máy phát điện kịp thời vào tháng 12/2015 và tháng 6/2016 có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp sản lượng điện lớn, bù đắp phần thiếu hụt do các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên thiếu nước.

Các đơn vị tư vấn, nhà thầu trao đổi công việc trong quá trình thi công

Theo tính toán của Ban A Sơn La, công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm 1 năm sẽ cung cấp thêm khoảng 4,7 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia và làm lợi cho đất nước khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đánh giá về thành công của Dự án, ông Phạm Hồng Phương khẳng định, Thủy điện Lai Châu là dự án trọng điểm quốc gia nên được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như các bộ, ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của EVN. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn trong quá trình triển khai dự án.

Toàn bộ lực lượng tham gia thi công đều được đã được “tôi luyện” qua công trình Thủy điện Sơn La. Vì vậy, bài học kinh nghiệm, những phương án thi công hợp lý nhất đều được sử dụng trong xây dựng Thủy điện Lai Châu. Ngoài ra, để có được sự thành công của dự án còn phải kể đến sự nỗ lực của các nhà thầu tham gia trên công trường, đặc biệt là phong trào thi đua liên kết giữa các đơn vị thi công đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Dự án về đích sớm. Cuối cùng là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Lai Châu cũng như sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh khi đã nhanh chóng di dời nhà cửa đến nơi ở mới, nhường đất cho thủy điện. Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp công trình được hoàn thành vượt tiến độ 1 năm. 

Nhà máy Thủy điện Lai Châu:

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
- Địa điểm: Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
- Công suất lắp máy: 1.200 MW (3x400 MW).
- Sản lượng điện trung bình hàng năm: 4,7 tỷ kWh.

Một số mốc tiến độ chính:

- Khởi công: Ngày 5/1/2011;
- Phát điện tổ máy số 1: Tháng 12/2015;
- Phát điện tổ máy số 2: Tháng 6/2016;
- Phát điện tổ máy số 3: Tháng 11/2016;
- Hoàn thành toàn bộ Dự án: Tháng 12/2016.


  • 03/01/2017 04:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13335