Thủy điện “héo hắt” vì thiếu nước

Không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp bị đe dọa bởi khô hạn bất thường diễn ra từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng đang rơi vào tình trạng căng kéo nguồn nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát điện, vừa cung cấp nước cho hạ du để tưới tiêu.

Tính hình khô hạn nghiêm trọng kéo dài khiến sản xuất nông nghiệp, thủy điện khu vực miền Trung lao đao - Ảnh: Tư liệu

“Từ nửa cuối tháng 4 đến nay lượng nước từ thượng nguồn về hồ chứa chỉ dao động một m3/giây, đây là mức nước về thấp nhất trong lịch sử 70 năm qua đối với Thủy điện An Khê  - Knak”, ông Nguyễn Văn Tặng, Giám đốc Ban Quản lý Thủy điện An Khê – Knak cho biết qua trao đổi với phóng viên sáng 4/5.

Hiện nay nước trong hồ thủy điện An Khê – Knak tại tỉnh Bình Định chỉ còn khoảng 2,1 triệu m3, bằng 30% so với dung tích thiết kế đến 6 triệu m3 của hồ.

Theo ông Tặng, trong hơn một tuần qua do thiếu nước nên đơn vị điều động phát điện cũng giảm lượng điện phát của thủy điện này. Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 5 dự báo nguồn nước thủy điện tiếp tục căng kéo nên chắc chắn lượng điện huy động tiếp tục giảm.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, Thủy điện A Vương từ đầu năm nay cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt đến 65 triệu m3 nước.

Theo ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, bình quân mọi năm lượng nước đầu mùa khô trong hồ thủy điện A Vương thường xuyên ở cao trình 380 mét, nhưng năm nay tuột xuống còn xấp xỉ 370 mét.

Ông Trâm cho hay do dự báo năm nay tình hình khô hạn kéo dài nên thủy điện A Vương đã lên kế hoạch vừa phát điện, vừa phân phối nguồn nước tưới cho hạ du nhưng thời hạn cầm cự cũng đến 31/8 năm nay là hồ xuống đến mực nước chết 340 mét.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong những tháng đầu năm đến nay phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng, lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. EVN cho biết trong tháng 4 vừa qua đã khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thuỷ điện được khai thác theo kế hoạch để điều tiết nước cho hạ du mùa khô, mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt. Thủy điện chiếm gần 40% lượng điện cung cấp cho cả nước.

Trong các tháng mùa khô năm nay sẽ có 19 hồ thủy điện ở cả ba miền phải điều tiết vừa đảm bảo nhu cầu nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt theo các quy trình điều tiết liên hồ chứa và các yêu cầu của địa phương như hồ Thủy điện Quảng Trị, A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh và các hồ thủy điện trên dòng Sêrêpôk.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định: tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước trong năm 2015 này diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Trong đó, tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ đến khoảng tháng 9/2015 mới dần được cải thiện. Lượng mưa ở các tỉnh ven biển trung bộ từ tháng 4 đến tháng 9/2015 được dự báo cũng rất thấp.

Trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến tháng 8/2015, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh. Các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30% đến 80%, các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận thấp hơn từ 60% đến 80%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80% – 90%, và sông Cái tại Nha Trang hụt đến 90% so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mức thấp nhất trong lịch sử.


  • 06/05/2015 05:04
  • Bài và ảnh: thesaigontimes.vn
  • 2800


Gửi nhận xét