Hội thảo về tiềm năng và phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng
|
Đó là nội dung chính tại Hội thảo “Tiềm năng và phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng”, diễn ra ngày 1/12/2011.
Tham dự có đại diện Bộ KH&CN, Sở KH&CN TP Đà Nẵng, Hiệp hội Đồng quốc tế (ICA), Trường Đại học Đà Nẵng, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa, Công ty Điện lực và chiếu sáng Cagayan (Philippines) và Công ty Schneider Electric Việt Nam.
Bốn nhóm giải pháp lớn phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng được đưa ra bao gồm: hành lang pháp lý; công nghệ nội địa; mở rộng thị trường giá cạnh tranh & công nghệ tiên tiến hiệu quả; kích cầu thị trường.
Hiện nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời và được các nhà đầu tư quan tâm. Đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và ứng dụng năng lượng tái tạo giai đoạn 2011-2015 tại thành phố Đà Nẵng” do Sở Khoa học - Công Nghệ Đà Nẵng chủ trì thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, triển khai áp dụng năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, Sở KH&CN TP Đà Nẵng và Hiệp hội đồng quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác để khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2015.
Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030, xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Năng lượng mặt trời sẽ được khuyến khích phát triển cả về phát điện thương mại nối lưới và điện khí hóa nông thôn. |