Tiết kiệm điện cho điều hòa bằng chiếc điều khiển từ xa

Theo chuyên gia, trên chiếc điều khiển của máy điều hòa có những chức năng tiết kiệm điện rất đáng kể mà người dùng thường "bỏ quên". Chỉ cần sử dụng đúng cách là có thể làm giảm hóa đơn tiền điện một cách đáng kể.

Thói quen sử dụng điều hòa gây tốn điện phổ biến

Dù miền Bắc mới trải qua 2 đợt nắng nóng gay gắt từ đầu hè song lượng điện tiêu thụ đã vượt kỷ lục. Sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28/5/2024 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh. Điều hòa là một trong những thiết bị ngốn nhiều điện nhất trong gia đình, cũng là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, một trong những thói quen sử dụng điều hòa sai cách dẫn đến hóa đơn tiền điện gia tăng chính là những sai lầm trong thói quen sử dụng hàng ngày sai cách. Đầu tiên, khi bắt đầu bật điều hòa, nhiều người muốn làm lạnh thật nhanh nên cài đặt nhiệt độ thật thấp khoảng 20 độ C. Đến khi phòng đã mát mới bắt đầu tăng nhiệt là sai.

Lý do được GS.TS Nguyễn Đức Lợi đưa ra là khi để chế độ nhiệt thấp, điều hòa sẽ phải làm việc hết công suất để đáp ứng mức nhiệt chênh lệch quá lớn này, gây tốn điện mà vô ích bởi máy cần một khoảng thời gian nhất định để làm mát. Tốt nhất là để mức nhiệt 26-27 độ C sau đó ấn nút Powerfull nếu cần lạnh nhanh lúc ban đầu. Sau khoảng 20 phút máy sẽ tự động tắt chế độ Powerfull là tốt nhất.

Khi bật điều hòa, nên bật thêm 1 quạt bàn hoặc quạt treo tường với số nhỏ để đảo gió và phân bố nhiệt độ trong phòng sẽ đồng đều, thoải mái hơn. Khi có vận tốc gió nhẹ thổi qua người, có thể tăng nhiệt độ máy lạnh lên 27 - 28 C cảm nhận vẫn đạt sự thoải mái cho cơ thể.

Một sai lầm nữa được chuyên gia nhắc đến là người hay đóng kín mít cửa và cửa sổ vì sợ tổn thất lạnh. Điều này có khả năng dẫn đến càng về sau nồng độ CO2 trong phòng sẽ càng tăng làm mệt cơ thể. Giải pháp là nên lắp quạt hút thông gió hoặc hé cửa sổ hay cửa chính 1 khe nhỏ.

Một suy nghĩ sai lầm người dùng điều hòa mắc phải là nghĩ rằng nếu chế độ quạt gió thật lớn tạo cảm giác mát và để nhiệt độ cao lên sẽ tiết kiệm được nhiều điện. GS Lợi cho biết, về lý thuyết, quạt số càng cao, hiệu suất càng cao nên đồng nghĩa càng tốn điện. Khi sử dụng điều hòa nên dựa vào thực tế sử dụng. Khi ngủ, cần giảm ồn nên bật ở mức khoảng số 3. Trường hợp phòng ngủ nhỏ, dàn lạnh thổi trực tiếp vào giường thì càng phải bật quạt gió số nhỏ.

"Trên chiếc điều khiển của máy điều hòa có những chức năng tiết kiệm điện rất đáng kể mà người dùng thường "bỏ quên" đó là chế độ SLEEP (ngủ) và hẹn giờ. Ví dụ cài đặt 27 độ C, khi ngủ bấm chế độ SLEEP, sau 2 giờ thì nhiệt độ sẽ tăng lên 29 độ C sẽ tiết kiệm được một lượng điện rất lớn. Cách khác là đặt hẹn giờ tắt sau khoảng 3h khi ngủ và duy trì quạt điện cũng khiến hóa đơn tiền điện nhà bạn giảm đáng kể", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Vị trí lắp điều hòa phù hợp nhất trong phòng ngủ

Một trong những câu hỏi nhiều người thắc mắc là lắp đặt máy điều hòa ở đâu trong phòng ngủ là tốt nhất, ít ảnh hưởng đến sức khỏe mà vẫn có giấc ngủ ngon. Theo một số nghiên cứu đưa ra, vị trí lý tưởng nhất để lắp điều hòa nhiệt độ là ở đầu giường ngủ nhưng không thẳng với giường mà lệnh về bên phải hoặc bên trái. Vị trí này sẽ giúp cho khí lạnh từ điều hòa đảm bảo lan tỏa tốt trong phòng, đồng thời nó cũng không phả trực tiếp vào mặt hay cơ thể con người, gây ra sự không thoải mái hay thậm chí là các nguy cơ ảnh hưởng xấu về sức khoẻ.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, nhiều người dùng thường lầm tưởng rằng việc lắp điều hòa ở vị trí phả hơi lạnh trực tiếp vào người sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên như đã nói, nó có thể tiềm ẩn các nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em hay người có sức đề kháng yếu. Một vị trí nữa cũng được xem là khá tốt và phù hợp khi lắp đặt điều hòa trong phòng ngủ, đó là ở vị trí cuối giường nhưng ở bức tường bên cạnh.

Nếu gia đình đã lắp đặt điều hòa ở các vị trí khác, có thể cân nhắc các phương án thay đổi. Không chỉ ở phòng ngủ, các khu vực khác trong nhà như phòng ngủ hay phòng làm việc, điều hòa cũng nên được tránh lắp ở vị trí để hơi lạnh phả trực tiếp vào mặt, đầu hay cơ thể người sử dụng.

Các chuyên gia khuyên rằng, điều hòa nên lắp ở độ cao vừa phải, vừa tốt cho việc làm mát, vừa tiện lợi, dễ dàng hơn cho công việc vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ. Chiều cao trung bình của một căn phòng hiện nay thường dao động ở mức 2,7 - 3m. Vì vậy, điều hòa nên được lắp ở độ cao khoảng từ 2,1 - 2,3m.

Ngoài ra, mặt trên của điều hòa cũng được khuyến cáo là không nên quá sát với trần nhà mà nên có một khoảng trống nhất định. Tốt hơn hết nên đặt điều hòa cách trần ít nhất từ 10 - 30cm. Việc làm này sẽ giúp thiết bị có đủ không gian để tản nhiệt trong lúc hoạt động.

Điều hòa tốt nhất nên được lắp đặt ở khu vực thông thoáng, không có vật cản, đặc biệt là ở khu vực ngay trước dàn lạnh. Ví dụ như không nên lắp đặt điều hòa trên nóc tủ hay trên các loại kệ lớn. Việc này sẽ vô tình làm giảm hiệu suất hoạt động của thiết bị. Điều hòa làm mát không hiệu quả cũng dẫn tới người dùng đang lãng phí điện năng.

Điều này cũng tương tự khi lắp điều hòa phía trên hoặc gần các thiết bị điện tử khác. Các thiết bị điện tử khác không chỉ cản gió điều hòa, mà thậm chí còn phả ra hơi nóng ngược lại, khiến điều hòa tiêu tốn nhiều điện năng và thời gian hơn để làm mát không gian.

Không nên lắp điều hòa gần khu vực cửa bởi cửa là nơi dễ có các khe hở, từ đó khiến khí lạnh điều hòa có thể bị thoát ra ngoài. Chưa kể trong thời gian sử dụng, người dùng có thể ra vào phòng, phải đóng, mở cửa liên tục. Nhiệt độ khu vực gần điều hòa thay đổi liên tục cũng khiến thiết bị phải tăng công suất làm mát thường xuyên, từ đó sẽ gây tốn điện hơn. Vì vậy người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi lắp đặt điều hòa ở khu vực ngay trên hoặc gần sát các loại cửa ra vào.

Link gốc


  • 21/10/2024 10:29
  • Theo suckhoedoisong.vn
  • 3371