Tiết kiệm tới 38,7% điện năng
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển rất nhanh, chiếm hơn 75% diện tích nuôi tôm của cả nước. Nếu cuối năm 2011, ĐBSCL có 580.000 ha nuôi tôm thì đến tháng 7/2017 đã tăng lên gần 630.000 ha. Một số địa phương đã lập quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có ngành nuôi tôm. Trên cơ sở đó, ngành Điện cũng đã nỗ lực bố trí vốn hợp lý, đầu tư các dự án nguồn, lưới điện.
Tuy nhiên, có nhiều hộ gia đình nuôi tôm nhỏ lẻ tự phát, chạy theo nhu cầu của thị trường, sử dụng nguồn điện sinh hoạt để nuôi tôm dẫn đến lưới điện bị quá tải trên diện rộng. Trong khi đó, EVNSPC chưa thể tiến hành nâng cấp nguồn điện 1 pha phục vụ sinh hoạt lên thành điện 3 pha phục vụ nuôi tôm do nguồn vốn đầu tư xây dựng không đáp ứng được nhu cầu.
Trước thực trạng đó, nhằm giảm áp lực cung ứng điện cho các hộ nuôi tôm, EVN và EVNSPC đã nghiên cứu, triển khai thí điểm hai mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm gồm: “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay” và “Đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U”.
Mô hình tiết kiệm điện giúp các hộ dân tiết kiệm tới 38,7% lượng điện tiêu thụ hàng tháng
|
Sau một năm thí điểm tại 161 hộ dân nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), 2 mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, mô hình “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay” đã giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng tiêu thụ, tương đương 757 triệu đồng/năm. Mô hình “Đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U”, tiết kiệm tới 38,7% điện năng, tương ứng 1,9 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Thành viên Hiệp hội Nuôi tôm huyện Mỹ Thanh chia sẻ, đây là mô hình mang lại “lợi ích kép” cho các hộ nuôi tôm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình còn góp phần giảm sự cố các thiết bị, giúp việc hòa tan ôxy trong ao tôm ổn định hơn, tạo môi trường sống tốt cho tôm.
Ông Nhiệm cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác, mỗi tháng chi phí tiền điện dành cho nuôi tôm lên tới hàng trăm triệu đồng, thì việc giảm từ 38-40% sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng là rất lớn, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí để tái đầu tư”.
Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, ông cũng thực sự ấn tượng với mô hình này, bởi tính khả thi rất cao, người dân dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, với nghề nuôi tôm, việc giảm được 38,7% điện năng tiêu thụ có ý nghĩa rất lớn, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cần sớm được nhân rộng
Những năm qua, nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, EVNSPC đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện tại các địa phương có mật độ nuôi tôm cao. Giai đoạn 2015-2016, EVNSPC đã đầu tư 876 tỷ đồng, thực hiện chống quá tải và cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.
Theo khảo sát, trong những năm tới, nhu cầu phụ tải điện cho nuôi tôm tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến, giai đoạn 2017-2020, EVNSPC cần hơn 5.110 tỷ đồng, cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi tôm.
Đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh các loại năng lượng truyền thống như, thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, việc huy động vốn đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn, thì tiết kiệm điện là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, giúp EVN giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới.
Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có khoảng 53.000 ha nuôi tôm, mỗi năm tiêu thụ khoảng 221 triệu kWh điện, tương ứng khoảng 20% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh - một tỷ lệ rất lớn. Tỉnh Sóc Trăng rất mong mô hình này sớm được nhân rộng, người dân và ngành Điện cùng được hưởng lợi. Tỉnh Sóc Trăng cam kết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ ngành Điện kêu gọi các hộ dân nuôi tôm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện…
Với những lợi ích mà mô hình này mang lại, Tập đoàn đã chỉ đạo EVNSPC và Công ty Điện lực Sóc Trăng tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, nâng cấp mô hình. Hiện nay, EVNSPC đã và đang tiếp tục triển khai thí điểm đợt hai mô hình tiết kiệm điện tại Sóc Trăng, với việc hỗ trợ cấp phát con lăn cho 672 hộ dân, tổng chi phí gần 750 triệu đồng.
Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý nhằm nhân rộng mô hình này không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL mà còn ở các tỉnh phía Bắc, EVN đề nghị các Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ NN&PTNT sớm công bố rộng rãi kết quả mô hình này, từ đó chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền để các hộ dân áp dụng… Cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVN rất cần sự đồng hành của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương, các hiệp hội trong việc tuyên truyền, kêu gọi các hộ nuôi tôm sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Trong năm 2018, EVNSPC sẽ triển khai giải pháp “Thay động cơ điện hiệu suất cao, điều tốc kết hợp với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ”.
Đây là sự kết hợp giữa mô hình mới và hai mô hình trên, nhằm khuyến khích các hộ nuôi tôm thay thế các loại động cơ cũ (không rõ nguồn gốc, động cơ quấn lại) bằng động cơ hiệu suất cao kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho dàn quạt tạo ôxy.
|