Tiết kiệm năng lượng: Cơ chế hỗ trợ chưa hợp lý

Các nguồn năng lượng truyền thống (dầu khí, thủy điện, than…) ngày càng cạn kiệt đã ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tuy đã có hiệu lực từ năm 2011, nhưng đến nay chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Việc sử dụng năng lượng vẫn lãng phí. Hệ số đàn hồi điện/ GDP vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực…

Nhiều nơi lãng phí

Mới đây, tại Hội thảo “TKNL - Những vấn đề cấp bách”, đại diện Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết, hàng năm, Tổng công ty đều có báo cáo gửi Sở Công Thương, liệt kê danh sách các đơn vị sử dụng điện vượt quá 10% so với năm trước đó. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế xử lý quyết liệt, nên tình trạng sử dụng điện lãng phí vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại TP.HCM, nhiều đơn vị báo cáo không có kinh phí thay thế máy lạnh thế hệ cũ không tiết kiệm điện bằng thế hệ mới, trong khi điện năng tiêu thụ của máy lạnh thường chiếm trên 60% tổng điện năng tiêu thụ tại cơ quan, công sở.

Cơ quan công sở đã vậy, lãng phí năng lượng trong các doanh nghiệp còn đáng  sợ hơn. Có doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích khi TKNL nhưng “lực bất tòng tâm” vì thiếu vốn. Lãnh đạo một doanh nghiệp tâm sự: “Kinh tế khó khăn, đầu tư cho TKNL cần kinh phí rất lớn. Biết là tốt đấy, nhưng đành “gác” lại, ưu tiên đầu tư sản xuất, tránh thua lỗ…”. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến TKNL; chưa thực hiện các yêu cầu của Nhà nước như: Xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kế hoạch hàng năm và 5 năm về tiêu thụ năng lượng, báo cáo cơ quan chức năng tình hình tiêu thụ năng lượng theo yêu cầu, triển khai kiểm toán năng lượng…

Tại Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách", nhiều chuyên gia cho rằng, lãng phí năng lượng là vấn đề đáng báo động - Ảnh : Ngọc Tuấn

Trên thực tế, hiệu quả TKNL trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Hệ số đàn hồi điện/ GDP của Việt Nam tuy đã giảm từ 2 xuống còn 1,69 (năm 2013), nhưng vẫn còn cao so với  các nước trong khu vực và thế giới. Trong Quy hoạch điện VII đã được Chính phủ phê duyệt, yêu cầu đến năm 2020 phải đưa hệ số này xuống bằng 1.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - TKNL, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định, việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong bối cảnh cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu kinh nghiệm xây dựng các mô hình TKNL trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng là một trong những khó khăn khi thực thi Luật và các chương trình TKNL. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của Nhà nước về TKLN cũng chưa nghiêm, mức phạt chưa đủ tính răn đe nên các doanh nghiệp vẫn “nhờn thuốc.”

Cần cơ chế khuyến khích

Có thể khẳng định, vốn là một trong những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình TKNL. Trong khi đó, các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, TKNL còn nhiều điểm chưa phù hợp. Điển hình, chương trình hỗ trợ 30% vốn đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp không đủ sức thu hút do mức hỗ trợ  quá thấp so với tổng mức đầu tư doanh nghiệp phải bỏ ra. Vì vậy, để các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các giải pháp TKNL, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kiểm toán năng lượng và đổi mới công nghệ, sử dụng những công nghệ có hiệu suất năng lượng cao. Đặc biệt là phải có mức hỗ trợ vốn đầu tư hợp lý hơn mới hy vọng doanh nghiệp đủ sức đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ hiệu suất cao.

Cũng theo ông Trịnh Quốc Vũ, năm 2013, tuy giá năng lượng của Việt Nam đã tăng gần 10%, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn rất thấp. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện, từng bước tiếp cận với giá thị trường.

Nhiều sản phảm tiết kiệm năng lượng chưa được các doanh nghiệp quan tâm sử dụng - ảnh: Minh Anh

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, giá năng lượng là đòn bẩy trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, là động lực cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì vây cần tổ chức xây dựng mức giá hợp lý, hài hòa, minh bạch cho các loại năng lượng trên nguyên tắc bình đẳng giữa người bán và người mua. Một khi giá năng lượng được quyết định bởi thị trường, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Mặt khác, hiện nay trên thị trường, nhiều mặt hàng công nghiệp chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái còn lưu hành tràn lan (đèn compact, đèn LED, quạt điện…) cũng làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền về TKNL, vì có thể gây mất niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm TKNL. Do đó, cần có biện pháp quản lý chặt chất lượng sản phẩm tiết kiệm năng lượng lưu hành trên thị trường và có chính sách hỗ trợ về giá, để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được với các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao.

Trước thực trạng, nguồn cung khí từ các mỏ hiện có đang dần bị suy giảm; nguy cơ phải nhập khẩu than trước năm 2020 đã được dự báo; ngành Điện đang phải “gồng mình” đảm bảo điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội… thì TKNL trở thành cấp thiết hơn bao giờ hết.

“TKNL không còn là việc riêng của một cá nhân, một doanh nghiệp hay một ngành nào đó, mà cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. TKNL không phải chỉ ở khâu tiêu dùng, mà phải được thực hiện ở tất cả các quá trình, từ đầu tư, khai thác, sản xuất, vận chuyển, truyền tải đến khâu phân phối, tiêu dùng…”, ông Trần Viết Ngãi chia sẻ.
 

Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, chúng ta không thể chỉ so sánh tiết kiệm bao nhiêu phần trăm qua mỗi năm với chính mình, trong khi so với thế giới, nước ta vẫn lạc hậu, lãng phí. Chúng ta cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành. Nếu suất tiêu thụ năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm vẫn cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại trong khu vực và thế giới, thì làm sao chúng ta có thể cạnh tranh được? Nâng cao nhận thức về TKNL là rất quan trọng, nhưng đổi mới, cải tiến công nghệ mới là khâu then chốt trong TKNL.

(Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Thạo - Trợ lý Chủ tịch nước tại Hội thảo TKNL - Những vấn đề cấp bách, tổ chức tháng 8/2014).

Ông Hoàng Minh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm TKNL Hà Nội: Hầu như tất cả các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thủ đô đều chưa có mô hình quản lý năng lượng hiệu quả, thiếu cán bộ chuyên trách; công tác quản lý năng lượng mang tính kiêm nhiệm, chưa chuyên môn hóa cao. Do đó, dù một số chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tiến hành tại các doanh nghiệp, nhưng hiệu quả chưa cao và chưa trở thành phong trào.

 

Tiềm năng TKNL một số ngành:

Ngành

Tiềm năng tiết kiệm NL (%)

Xi măng

50

Nông nghiệp

50

Gốm

35

Dệt/may mặc

30

Tòa nhà thương mại

25

Phát điện than

25

Thép

20

Chế biến thực phẩm

20

Sử dụng nước

15

 


  • 22/09/2014 03:48
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3382


Gửi nhận xét