(Ảnh minh họa)
|
Tổng thư ký VCCI - TS Phạm Thị Thu Hằng nhận định, tiềm năng thuỷ điện vừa và nhỏ ở nước ta rất lớn. Thuỷ điện nhỏ không chỉ góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho hệ thống điện mà việc xây dựng các công trình thủy điện ở vùng núi còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, do những bất cập về chính sách trong quản lý thuế tài nguyên nước và trong cách tính giá điện thương phẩm đã khiến các nhà đầu tư thủy điện nhỏ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ để phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ.
Ông Vũ Ngọc Cừ - Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Lào Cai nhận định, đầu tư thuỷ điện không hề đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thuỷ điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đường điện đấu nối truyền tải xa... Mặt khác, hạ tầng cơ sở trong khu vực nông thôn miền núi quá yếu kém nên công tác vận chuyển vật tư thiết bị và cấp điện thi công không đơn giản.
Ông Hà Sỹ Dinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết, với những doanh nghiệp đầu tư thủy điện nhỏ, vấn đề thu xếp vốn cho dự án cũng vô cùng khó khăn. Quy định các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70% (trước thuế và lãi vay) phần còn lại là vốn do doanh nghiệp bỏ vào. Tuy nhiên thực tế cho thấy tổng số tiền DN phải huy động bằng tiền mặt và tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư. Theo ông Dinh, đây là con số yêu cầu khá đối lớn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh sau đợt “lũ quét” về khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong thời gian qua.
Do vậy, theo ông Dinh và đại diện một số nhà đầu tư mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển thủy điện nhỏ như: Ân hạn thời gian trả gốc cho các dự án để lấy nguồn kinh phí duy trì và phát triển các hoạt động của doanh nghiệp; Giảm lãi xuất tại các tổ chức tín dụng (đang thực hiện); Tăng giá bán điện cho đúng với giá trị thật của nó; Đầu tư xây dựng các đường truyền tải đã có quy hoạch của EVN; Có phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp về việc quản lý đường dây và trạm do doanh nghiệp đã đầu tư; Giảm tỷ lệ phần vốn đối ứng của doanh nghiệp để đầu tư vào dự án trong thời gian tới và có chính sách miễn giảm thuế, gia hạn thời gian trả nợ thuế cho các doanh nghiệp thủy điện.
Kết luận Diễn đàn, TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI khẳng định, các doanh nghiệp thủy điện thực tế đang gặp nhiều khó khăn về vốn, về thị trường, hệ thống chính sách, hệ thống quản lý tài nguyên... Sau diễn đàn này, VCCI sẽ hệ thống lại các ý kiến từ phía các doanh nghiệp để có các kiến nghị lên cơ quan chức năng mà trước hết là để góp phần giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp thủy điện nhỏ.
Năm 2011, sản lượng điện của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đạt mức 7,845 tỷ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thuỷ điện, chiếm 7% sản lượng điện toàn hệ thống và đạt khoảng 45% trữ năng kinh tế của thuỷ điện vừa và nhỏ.
(Nguồn: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)
|