I. Tình hình hoạt động ĐTXD và SXKD 6 tháng đầu năm 2014:
1. Tình hình cung ứng điện:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống điện có dự phòng, cung cấp điện ổn định.
Sản lượng toàn hệ thống trong tháng 6/2014 đạt 12,61 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng năm 2014 sản lượng toàn hệ thống đạt 69,91 tỷ kWh, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 6/2014 ước đạt 12,31 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng năm 2014 đạt 67,93 tỷ kWh, tăng 9,34% so với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất đạt 27,74 tỷ kWh. Thủy điện chiếm 35,61% tổng sản lượng điện sản xuất và mua, nhiệt điện than chiếm 27,48%, tua-bin khí chiếm 34,98%...
Điện thương phẩm tháng 6/2014 ước đạt 11,831 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 61,215 tỷ kWh, tăng 9,89% so với cùng kỳ năm 2013. Điện thương phẩm nội địa tăng 9,87% (miền Bắc tăng 12,37%, miền Trung tăng 7,61%, miền Nam tăng 8,38%), trong đó điện cho các ngành kinh tế (công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ và nông lâm nghiệp) chiếm 60,05% điện thương phẩm và tăng trưởng 12,05%; điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm 35,13% điện thương phẩm, tăng 5,36%.
2. Tiết kiệm điện:
Trong 6 tháng đầu năm cả nước ước thực hiện tiết kiệm được 1,26 tỷ kWh, tương đương 2,07% điện thương phẩm.
Công tác tiết kiệm điện (TKĐ) có nhiều chuyển biến mới. Các TCTĐL/CTĐL phối hợp với các cơ quan ban ngành trên địa bàn, các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền TKĐ rộng khắp ở các địa phương. Tập đoàn đã tham gia chiến dịch Giờ trái đất 2014 với tư cách là nhà tài trợ chính và đối tác trong mọi hoạt động của chương trình; đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về tuyên truyền vận động sử dụng điện an toàn tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2014 - 2015; xây dựng đề án hỗ trợ nông dân trồng thanh long, thay 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và giao cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam thực hiện trong 2 năm 2014 - 2015.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống điện được vận hành hợp lý. Công tác chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh điện năng bám sát diễn biến tình hình cấp khí, than và thời tiết thuỷ văn cũng như nhu cầu phụ tải điện từng tuần, từng tháng đảm bảo tính kinh tế của hệ thống điện.
Tập đoàn và các nhà máy thủy điện đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương vận hành điều tiết các hồ thủy điện đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, nhu cầu đẩy mặn của các địa phương vùng hạ du, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang bị khô hạn nghiêm trọng, kéo dài.
3. Tình hình đầu tư xây dựng:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản như sau:
a. Về nguồn điện: Hầu hết các dự án nguồn điện đã giữ vững mốc khởi công - phát điện, chống lũ và bám sát tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra. Cụ thể:
- Đã hòa lưới phát điện 2 tổ máy với tổng công suất 922MW, gồm: TM1 nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (622MW), TM 2 nhiệt điện Hải Phòng 2 (300MW).
- Đã khởi công 2 dự án là nhiệt điện Thái Bình, nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Hoàn thành công tác chuẩn bị để khởi công dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng vào đầu tháng 7/2014.
- Đã hoàn thành các hạng mục chống lũ năm 2014 tại các dự án thuỷ điện: Lai Châu, Trung Sơn, Huội Quảng theo đúng kế hoạch.
- Các dự án nguồn điện cấp bách để cấp điện cho khu vực miền Nam gồm: cụm nhiệt điện Vĩnh Tân (NĐ Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Cảng than Vĩnh Tân, dự án cơ sở hạ tầng), cụm nhiệt điện Duyên Hải (NĐ Duyên Hải 1, NĐ Duyên Hải 3, NĐ Duyên Hải 3 mở rộng, Cảng biển Duyên Hải, dự án cơ sở hạ tầng) và nhiệt điện Ô Môn I -TM2 đang thi công bám sát tiến độ.
- Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã và đang triển khai các thủ tục đầu tư đối với tất cả các dự án thành phần theo tiến độ. Hiện nay đang tiến hành thẩm tra, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư và hồ sơ phê duyệt địa điểm dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1,2. Các dự án hạ tầng thi công, Trung tâm quan hệ công chúng, khu nhà quản lý vận hành đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị đầu tư...
b. Về lưới điện: Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn và các đơn vị đã thực hiện khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn và đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng, nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Nam để cấp điện miền Nam và tăng cường khả năng cấp điện cho các phụ tải tại nhiều khu vực.
- Hoàn thành đưa vào vận hành 72 công trình lưới điện 110 - 500kV (gồm: 6 công trình 500kV, 11 công trình 220kV và 55 công trình 110kV) với tổng chiều dài đường dây là 2.055km, tổng công suất các trạm biến áp là 2.865MVA. Trong đó có những công trình lưới điện quan trọng được đánh giá cao như: Đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công và trạm biến áp 220kV Thành Công góp phần nâng công suất cấp điện cho Thủ đô Hà Nội; đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 500kV Phú Lâm - Ô Môn, đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây (đấu nối nhiệt điện Vĩnh Tân 2), sân phân phối 500kV Cầu Bông và các đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi, Duyên Hải - Trà Vinh... góp phần đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.
- Khởi công được 15 công trình 500 - 220kV.
- Hiện tại, Tập đoàn đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ các công trình:
+ Các dự án nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Trung: Nâng dung lương tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh, nâng công suất trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh, đường dây 220kV Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới, Đồng Hới - Huế.
+ Các công trình lưới điện đấu nối và truyền tải công suất các nguồn điện: Các đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Sơn La - Lai Châu, trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ; các đường dây 220kV Nghi Sơn - Vinh, đấu nối thủy điện Sông Bung 4, trạm biến áp 220kV Bảo Thắng và nâng công suất trạm biến áp 220kV Sơn La...
+ Các công trình đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội và các khu vực phụ tải tập trung: KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Samsung Thái Nguyên, Bắc Ninh...
+ Cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Tây Nam bộ.
c. Thu xếp vốn và giá trị thực hiện đầu tư: Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác thu xếp vốn đầu tư đáp ứng đủ nhu cầu vốn và giải ngân cho các dự án. Giá trị khối lượng thực hiện cũng như giá trị giải ngân thanh toán đạt khá và cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, trong đó giá trị khối lượng thực hiện đầu tư ước đạt 53.776 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 49.921 tỷ đồng.
4. Kết quả thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính:
Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 07 Công ty cổ phần (CTCP) đến hết năm 2015. Đến nay Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản công tác thoái vốn ở các doanh nghiệp bất động sản, giảm vốn ở các tổ chức tài chính. Cụ thể:
- Tại Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (Land miền Trung): EVN đã thoái toàn bộ vốn theo đúng phê duyệt của Bộ Công Thương với hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá.
- Hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần (CP) của EVN tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu cho Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của CTCP.
- Hoàn thành việc chuyển nhượng 25,2 triệu CP của EVN tại Ngân hàng TMCP An Bình cho CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP An Bình. Hiện tại, EVN chỉ còn lại vốn là phần lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt tại Ngân hàng TMCP An Bình và sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn khi Chính phủ có Nghị quyết về vấn đề này.
- Hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn của EVN tại CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam với số lượng chuyển nhượng là 500.000 CP, đảm bảo công khai minh bạch, thu hồi vốn và có hiệu quả ở mức cao nhất có thể tại thời điểm chuyển nhượng. Đến nay các thủ tục thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần cho EVN đã hoàn thành.
- Đang thực hiện các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN tại CTCP Chứng khoán An Bình theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,4 triệu CP theo phê duyệt của Bộ Công Thương.
- Tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance): EVN đã có công văn báo cáo và nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội về phê duyệt phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance (từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ).
5. Tình hình thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11/CT-BCT ngày 22/4/2014 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung triển khai những công việc cụ thể:
- Phối hợp cùng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương triển khai công bố các thông tin về hoạt động kinh doanh điện, công khai về giá điện trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương theo định kỳ.
- Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục “Thông tin Thị trường điện” trên Bản tin Tài chính - Kinh doanh được phát sóng vào sáng thứ Năm hàng tuần và số đầu tiên đã phát sóng vào ngày 15/5/2014. Thông qua chuyên mục này, người dân sẽ được cung cấp những thông tin về giá thành mua điện bình quân tại các nhà máy điện, giá truyền tải, giá thành phân phối và dịch vụ phụ trợ, tình hình cung cấp điện của toàn hệ thống điện...
- Cung cấp các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường điện trên các trang thông tin điện tử của Tập đoàn.
III. Một số nhiệm vụ công tác tháng 7 năm 2014:
Trong tháng 7, dự kiến phụ tải của hệ thống điện là 420,4 triệu kWh/ngày, công suất cực đại 21.761MW. Tập đoàn đối mặt với những khó khăn đó là: (i) Nguồn cung cấp khí để phát điện ở miền Nam bị cắt giảm (từ ngày 6 - 19 tháng 7 ngừng toàn bộ khí PM3 cung cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 với tổng công suất 1.500 MW, trong những ngày cắt khí, sản lượng khí PM3 bằng 0, các ngày còn lại trong tháng 7 sản lượng khí PM3 cấp ở mức 4,7 triệu m3/ngày); (ii) Miền Bắc và miền Trung bước vào mùa mưa, bão với những diễn biến và ảnh hưởng khó lường đối với tất cả các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Mặc dù vậy trong tháng 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cam kết đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt với công suất khả dụng trên 22.000MW (kể cả trong giai đoạn cắt khí).
Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 7/2014: Đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, các chỉ tiêu và nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí. Công tác vận hành nguồn và lưới bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Theo đó, một số hồ thủy điện miền Nam có mức nước cao cần tăng cường khai thác ngay từ đầu tháng 7 và đặc biệt trong các ngày cắt khí PM3 (từ 6 - 19/7): Thủy điện Đa Nhim, Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3. Nhiệt điện than khai thác cao theo tình hình phụ tải và điều chỉnh kịp thời khi có lũ về ở miền Bắc. Tua-bin khí khai thác cao theo khả năng cấp khí, đảm bảo cấp điện miền Nam. Nhiệt điện dầu huy động để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày cắt khí PM3 và chống quá tải khi cần thiết.
Các dự án nguồn điện: Trong tháng 7/2014 dự kiến khởi công dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng; hoàn thành thi công cảng than Vĩnh Tân và thủ tục cấp phép mở cảng để đủ điều kiện cho tàu 30.000 tấn vào cảng; thử nghiệm thiết bị TM 1 nhiệt điện Duyên Hải 1; hoàn thành chạy phát điện giai đoạn thử thách để cấp PAC (chứng chỉ nghiệm thu tạm thời) cho TM1 và 2 nhiệt điện Nghi Sơn 1…
Các dự án lưới điện: Đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trong Quí III/2014 theo kế hoạch, trong đó có các công trình trọng điểm sau:
+ Công trình 500kV gồm: Trạm biến áp 500kV Cầu Bông, đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ, nâng công suất trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh, nâng công suất trạm biến áp 500kV Thường Tín.
+ Công trình 220kV: Các đường dây 220kV Nghi Sơn - Vinh, Vân Trì - Chèm; đường dây 220kV đấu nối thủy điện Sông Bung 4, trạm biến áp 220 kV Bảo Thắng, nâng công suất trạm biến áp 220kV Sơn La, các trạm biến áp 220kV Uyên Hưng, Tuyên Quang, Kim Động, nâng công suất trạm biến áp 220kV Cà Mau và các công trình đường dây 220kV đấu nối...
+ Hoàn thành toàn bộ việc di dời các công trình điện phục vụ GPMB Quốc lộ 1A và đường HCM qua khu vực Tây Nguyên...
Tiếp tục công tác thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường và thoái vốn các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.
Trong tháng 7, căn cứ theo nội dung, nhiệm vụ được Tập đoàn giao, các đơn vị xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai công tác tối ưu hóa chi phí, giải pháp thực hiện của đơn vị; tính toán hiệu quả theo từng chỉ tiêu, nhiệm vụ báo cáo Tập đoàn để kiểm tra, theo dõi, đánh giá.
Chuẩn bị tốt công tác phòng chống lụt bão và thiên tai, tất cả các đơn vị phân công cử Lãnh đạo tham gia vào ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của Tỉnh/thành phố, rà soát quy chế phối hợp với địa phương giảm tối thiểu thủ tục và đầu mối trung gian, chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng và phương án vận chuyển dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố và thiên tai xảy ra.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Ban Quan hệ cộng đồng - Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Điện thoại: 04.66946405/66946411 Fax: 04.66946402
Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội;
Website: www.evn.com.vn, www.tietkiemnangluong.vn