Tình hình hoạt động tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018; mục tiêu, nhiệm vụ công tác quý IV năm 2018

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong các dịp: Lễ, Tết và các hoạt động lễ hội đầu năm, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, lễ Quốc khánh 2/9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN)...

Công tác điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng đã bám sát diễn biến tình hình cấp khí, than và thời tiết, thuỷ văn cũng như nhu cầu phụ tải điện từng tuần, từng tháng.

Về tình hình vận hành, trong tháng 9, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khá hơn so với kế hoạch dự kiến nên các nhà máy thủy điện được khai thác cao hơn, các nhà máy nhiệt điện than và tua-bin khí khai thác thấp hơn kế hoạch.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9/2018 đạt 18,4 tỷ kWh (trung bình 614,8 tr. kWh/ngày); lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 163,5 tỷ kWh, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng ngày lớn nhất đạt 711,3 triệu kWh và công suất lớn nhất 34.154 MW (ngày 22/6). Trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và vào miền Nam. Lũy kế 9 tháng sản lượng truyền tải ước đạt 137,6 tỷ kWh (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017); sản lượng điện truyền tải vào miền Nam khoảng 15,7 tỷ kWh (tương đương 21% nhu cầu điện miền Nam), mức truyền tải cao nhất trên giao diện Bắc - Trung là 2.400 MW và Trung - Nam là 4.500 MW. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN lũy kế 9 tháng ước đạt 143 tỷ kWh, tăng 10,13% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,21%.

Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của các đơn vị tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Tính chung toàn Tập đoàn, trong 9 tháng đầu năm, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 543,28  phút (giảm 23,62% so với cùng kỳ 2017), tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,21 lần/khách hàng, tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 4,36 lần/khách hàng. Tổn thất điện năng toàn Tập đoàn 9 tháng là 7,17%, thấp hơn 0,03% so với kế hoạch phấn đấu năm 2018 (7,2%).

Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các Tổng Công ty Điện lực đã cung cấp dịch vụ điện qua Trung tâm hành chính công hoặc trên Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 57/63 tỉnh/thành phố. Các Tổng Công ty Điện lực đã thực hiện tốt công tác dịch vụ khách hàng, trong đó thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện lưới trung áp của ngành Điện bình quân trong 8 tháng năm 2018 là 4,39 ngày, thấp hơn 2,61 ngày so với quy định của Tập đoàn.

Về đầu tư xây dựng, 9 tháng đầu năm 2018, EVN đã có nhiều nỗ lực trong việc điều hành, chỉ đạo thi công các công trình theo kế hoạch đề ra, đảm bảo công tác bố trí vốn, giải ngân vốn đầu tư kịp thời cho các dự án với giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 76.239 tỷ đồng và giá trị giải ngân đạt 65.015 tỷ đồng.

Về nguồn điện: Tổng công suất nguồn điện đưa vào phát điện trên toàn quốc trong 9 tháng là 2.500MW. Riêng EVN, trong 9 tháng đầu năm, đã đưa vào vận hành thương mại 2 tổ máy (2x600MW) dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 2 tổ máy (2x300MW) dự án Nhiệt điện Thái Bình. Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khoảng 47.900MW, trong đó nguồn điện của EVN là 28.100MW (chiếm 58,7%). Ngoài ra cho đến nay, EVN đã ký được 35 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các Nhà đầu tư điện mặt trời bên ngoài EVN với tổng công suất là 2271 MW, trong đó dự án điện mặt trời Phong Điền (tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có công suất 35 MW là dự án điện mặt trời đầu tiên hòa lưới sẽ chính thức vào vận hành ngay đầu tháng 10/2018.

Về lưới điện: Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, EVN và các đơn vị đã hoàn thành đóng điện 121 công trình lưới điện 110 - 500 kV (gồm 4 công trình 500kV, 20 công trình 220kV, 97 công trình 110kV), đã khởi công xây dựng 102 công trình lưới điện 110 - 500 kV (gồm: 5 công trình 500kV, 11 công trình 220kV, 86 công trình 110kV).

Công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn đã đạt được một số kết quả như thoái toàn bộ vốn của EVN tại Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức (EMC) thu về 77,5 tỷ đồng; tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập Công ty Cổ phần EVNGENCO3...

Một số mục tiêu, nhiệm vụ chính của EVN trong quý IV năm 2018

Với mục tiêu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, trong đó đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, góp phần tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,7% theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, Tập đoàn đề ra một số chỉ tiêu kế hoạch quý IV như sau:

- Đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, điển hình là kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

- Sản lượng điện sản xuất và mua đạt 53,7 tỷ kWh; trong đó sản lượng điện thương phẩm (kể cả bán cho Lào và Campuchia) đạt 49,7 tỷ kWh.

- Vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.

- Đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện mới, phát triển khách hàng để tăng doanh thu và khai thác hiệu quả hạ tầng điện. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó phấn đấu xếp hạng ít nhất từ 60/190 quốc gia, nền kinh tế.

- Về đầu tư xây dựng nguồn điện: Hoàn thành cấp PAC cho tổ máy còn lại (TM1) dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và tập trung thi công nạo vét, đảm bảo cho tàu 70.000 tấn cập cảng vào cuối năm 2018; nỗ lực chuẩn bị khởi công dự án Điện mặt trời Phước Thái 1; đẩy nhanh công tác cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại các nhà máy nhiệt điện đang vận hành và tiếp tục thực hiện các giải pháp tiêu thụ tro xỉ lâu dài tại các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải...

- Về đầu tư xây dựng lưới điện: (1) Đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2018 các dự án lớn như: Tuyến đường dây 500kV từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đến Sông Mây; các công trình trọng điểm cấp điện miền Nam (TBA 220kV Bến Cát, nâng công suất các TBA 220kV TP. Nhơn Trạch và Tân Thành; các đường dây 220kV Bình Long - Tây Ninh, Long Phú - Sóc Trăng, Ô Môn - Sóc Trăng (mạch 2), Phú Lâm - Cai Lậy 2); các công trình đảm bảo cấp điện TP. Hà Nội (TBA 500kV Việt Trì, nâng khả năng tải đường dây 220kV Hà Đông - Phủ Lý, lắp máy 2 (250MVA) tại các TBA 500kV Đông Anh, 220kV Tây Hà Nội, Hiệp Hòa, nhánh rẽ 220kV sau TBA Tây Hà Nội, Phố Nối); đường dây 220kV Nam Sài Gòn - Quận 8 (TP. Hồ Chí Minh). (2) Khởi công xây dựng các dự án thuộc đường dây 500 kV mạch 3, đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, cải tạo đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông, đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc...

- Về cổ phần hóa và thoái vốn: Thực hiện quyết toán cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) và bàn giao vốn, tài sản cho Công ty Cổ phần; tiếp tục triển khai các bước cổ phần hóa các Tổng Công ty Phát điện EVNGENCO 1 và 2; hoàn thành thoái vốn Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và triển khai thoái vốn tại các đơn vị: Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP Phong điện Thuận Bình, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3&4 sau khi Bộ Công Thương phê duyệt Phương án thoái vốn.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ban Quan hệ cộng đồng - Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

Email: banqhcd@evn.com.vn

Điện thoại: 04.66946405/66946413; Fax: 04.66946402

Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội;

Website: www.evn.com.vn, www.tietkiemnangluong.vn

TCBCTinhhinhcongtacthang9vanhiemvuQuy42018.doc


  • 04/10/2018 09:30
  • Ban Quan hệ cộng đồng EVN
  • 19030