Tổng công ty Điện lực miền Bắc Hành trình xóa “vùng lõm” về điện

100% số huyện, 99,2 % số xã và 97,3 % số hộ dân nông thôn có điện là minh chứng cho sự nỗ lực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) trong việc đưa điện lưới quốc gia về nông thôn. Để hiểu rõ hơn về hành trình xóa vùng “lõm” về điện của Tổng công ty, evn.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Kim Quỳnh - Phó tổng giám đốc phụ trách EVN NPC.

Ông Thiều Kim Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách EVN NPC

PV:  EVN NPC đã  gặp những khó khăn như thế nào trong hành trình điện khí hóa nông thôn miền Bắc, thưa ông?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Địa hình nông thôn, đặc biệt là miền núi phía Bắc trải rộng và rất phức tạp; phụ tải không tập trung, sản lượng điện tiêu thụ thấp, suất đầu tư xây dựng lưới điện hạ áp nông thôn cao dẫn đến kinh doanh bán điện ở khu vực nông thôn, nhất là nông thôn miền núi không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn là khó khăn lớn trong công tác điện khí hóa nông thôn. Nhiều địa phương kéo điện hàng km chỉ cho vài ba hộ sử dụng, lượng điện sử dụng một tháng chỉ 5-7 kWh, hóa đơn tiền điện hàng tháng chỉ vài nghìn đồng; trong khi nhân viên thu ngân phải trèo đèo, leo núi mất nửa ngày, có khi cũng chưa thu đủ tiền điện.

Bên cạnh đó là khó khăn trong thi công và quản lý vận hành lưới điện do thực hiện ở địa hình đồi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định, đưa điện về nông thôn là nhiệm vụ chính trị, phải lấy hiệu quả kinh tế -xã hội làm thước đo nên vẫn tiếp tục tiếp nhận, đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn.

PV: Không chỉ đưa điện về vùng sâu, vùng xa, EVN NPC còn thực hiện thành công dự án đưa điện ra huyện đảo Cô Tô cuối năm 2013 và 5 xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực của EVN NPC khi thực hiện các dự án này?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô - huyện đảo cách đất liền gần 55 km là công trình đầu tiên kết nối lưới điện quốc gia từ đất liền qua hàng chục km đường biển đến với các hộ dân ở đảo Cô Tô. Công trình áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, kéo dây trên không bằng khinh khí cầu, rải cáp ngầm dưới đáy biển bằng thiết bị và công nghệ hiện đại như: Đào rãnh cáp ngầm đáy biển ở những tầng đá gốc bằng thiết bị máy cắt đá, phương pháp cày thủy lực cao áp ở phần lớn các tuyến cáp dưới đáy biển, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vật tư thiết bị ở độ sâu trung bình 30m…

Mặc dù khó khăn, phức tạp như vậy nhưng công trình đã được hoàn thành trong thời gian kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam (chưa đầy 1 năm, từ 4/11/2012-16/10/2013), vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng, tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và đã đóng điện thành công.

Sau thành công này, năm 2014, EVN NPC tiếp tục thực hiện Dự án đưa điện lưới quốc gia  ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) gồm: Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi. Sau 8 tháng nỗ lực thi công, công trình đã hoàn thành và đóng điện thành công vào đầu tháng 12, giúp gần 2.500 hộ dân lần đầu tiên có điện đón Tết.

Thành công kể trên là kết quả của sự phối hợp chỉ đạo, quyết liệt, nhịp nhàng, hiệu quả, đầy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, EVN NPC, PC Quảng Ninh cũng như các đơn vị thi công.  

PV: Xin ông cho biết, kế hoạch của EVN NPC thời gian tới nhằm xóa những vùng lõm còn “trắng” điện? Và với khu vực dân cư thưa thớt, có nên tính đến nguồn năng lượng khác thay thế điện lưới?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Để xóa những vùng “lõm” điện, ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020”, trong đó có vấn đề sử dụng nguồn năng lượng khác thay cho điện lưới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn, EVN NPC đã và đang tiếp tục hành trình mang điện về với bà con vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Về thí điểm nguồn năng lượng thay thế điện lưới: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về cấp điện bằng ắc quy cho các hộ dân sống rải rác ở quá xa nguồn điện lưới quốc gia, tháng 10/2012, EVN đã triển khai thí điểm mô hình này tại xóm Nậm Thuổm, thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, với tổng mức đầu tư gần 500 triệu đồng. Dự án được nghiệm thu bàn giao vào ngày 28/12/2012  với 2 tủ sạc, 50 hộ được cấp ắc quy (kèm 1 bảng điều khiển, 2 bóng đèn LED) và 20 bình ắc quy dự phòng. Sau khi thí điểm thành công, Chương trình cấp điện bằng ắc quy tiếp tục được triển khai tại 5 thôn của tỉnh Hà Giang với quy mô 3 trạm sạc, cấp điện cho 140 hộ dân.

PV: Xin ông cho biết, vì sao EVN NPC có thể vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu ấn tượng như vậy và cơ sở nào để Tổng công ty tiếp tục thực hiện những kế hoạch lớn và không ít thách thức trong công tác đầu tư đưa điện về nông thôn miền Bắc?

Ông Thiều Kim Quỳnh: Theo tôi, để có được thành công trong công tác điện khí hóa nông thôn, trước hết phải kể đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong chỉ đạo và xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù về thu xếp vốn đầu tư, chính sách ưu đãi và cơ chế thực hiện. Bên cạnh đó, là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc phối hợp với chủ đầu tư, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Với EVN NPC, để có được những thành quả này, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của EVN là sự quyết tâm, nỗ lực lao động quên mình của tập thể lãnh đạo và CBCNV Tổng công ty cũng như các đơn vị trực thuộc. Chúng tôi đã có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng ở từng khâu, từng giai đoạn; giám sát hiện trường; kiểm tra, thanh quyết toán, cấp vốn kịp thời phù hợp với tiến độ thi công, triệt để tiết kiệm chi phí. Đó cũng là cơ sở quan trọng để EVN NPC tin tưởng sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trong hành trình đưa điện về nông thôn trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 

Một số dự án điển hình của EVN NPC trong điện khí hóa nông thôn

- Dự án đưa điện ra đảo Cô Tô: Tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng, hoàn thành tháng 10/2013, cấp điện cho 1.483 hộ dân.
- Dự án đưa điện ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn: Tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, đóng điện tháng 12/2014, cấp điện cho gần 2.500 hộ dân.
- Dự án cấp điện cho các thôn, bản tỉnh Sơn La: Tổng mức đầu tư hơn 557 tỷ đồng, cấp điện cho 30.157 hộ dân. Khởi công từ tháng 5/2012, đến nay Dự án đã cấp điện cho 20.836 hộ dân.
- Dự án cấp điện cho các thôn, bản tỉnh Bắc Kạn: Khởi công vào tháng 8/2014, dự án có tổng mức đầu tư hơn 308 tỷ đồng, cấp điện cho 5.995 hộ dân.
- Dự án cấp điện cho các thôn, bản tỉnh Lai Châu: Dự kiến khởi công vào cuối năm 2014, với tổng mưc đầu tư hơn 415 tỷ đồng, cấp điện cho trên 8.504 hộ dân.
- Dự án cấp điện cho các thôn, bản tỉnh Nghệ An: Đã được Bộ Công Thương phê duyệt và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 1/2015.
 

Kết quả đưa điện lưới quốc gia về nông thôn của EVN NPC từ năm 2000 đến nay:

- Năm 2000, chỉ có 75 % số xã, 83% số hộ dân nông thôn có điện
- Cuối năm 2014, 100% số huyện, 99,2% số xã và 97,3% số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia.
- Toàn miền Bắc hiện chỉ còn 40 xã với 206.640 hộ dân nông thôn chưa có điện lưới quốc gia.
- EVN NPC đã và đang tiến hành tiếp nhận, cải tạo toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn, đảm bảo người dân khu vực nông thôn được sử dụng điện an toàn, chất lượng điện ổn định, được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ.

 


  • 20/05/2015 09:43
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3292


Gửi nhận xét