Chất lượng tro, xỉ đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng
Liên tiếp 2 năm 2019, 2020, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã tiêu thụ 100% lượng tro bay phát sinh trong quá trình sản xuất điện. Đây là kết quả tích cực bởi năm trước đó, dù rất mong mỏi, nhưng lượng tiêu thụ tro bay chỉ dừng lại ở con số vài chục %.
Ông Ngô Sinh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, công ty đã tích cực nghiên cứu giải pháp, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trong ngành và quyết định lựa chọn hình thức tổ chức đấu giá bao tiêu toàn bộ 100% lượng tro bay của nhà máy, thay vì bán lẻ từng chuyến xe bồn tại xilo như trước đây. “Chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị trúng thầu phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ tro xỉ” – ông Nghĩa cho biết thêm.
Tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình (tỉnh Thái Bình), ông Tạ Trung Kiên – Giám đốc công ty cho biết, không chỉ với tro bay, mà tỷ lệ tiêu thụ xỉ, thạch cao trong các năm qua luôn đạt mức tối đa 100%. Tro, xỉ của nhà máy được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng, do đó việc tiêu thụ khá thuận lợi. Không chỉ bán “đắt hàng” toàn bộ lượng sản phẩm phụ phát sinh mới, công ty thậm chí còn đang hợp tác với các đơn vị để tiêu thụ hết lượng xỉ ở bãi lưu do tồn lại từ giai đoạn vận hành thử nghiệm trước đây của nhà máy.
Xe bồn thu nhận và vận chuyển tro bay tại xilo nhà máy nhiệt điện theo quy trình "khép kín"
|
Số liệu thống kê của EVN cho thấy, trung bình hàng năm, 14 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) trong EVN tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than, đồng thời phát sinh khoảng 8-10 triệu tấn tro xỉ. Để tạo sự nhất quán, ổn định trong việc tiêu thụ tro, xỉ dài hạn tại các nhà máy trong Tập đoàn, EVN đã yêu cầu các đơn vị triển khai hồ sơ mời xử lý tro xỉ và đã thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ, thạch cao ngắn/dài hạn với các đối tác tiếp nhận và tiêu thụ tro xỉ. Cùng đó, 100% các nhà máy, công ty nhiệt điện thuộc Tập đoàn đã xây dựng và triển khai Đề án tiêu thụ tro xỉ, thạch cao cho các nhà máy điện, theo mẫu Tập đoàn ban hành.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Ban Khoa học công nghệ và môi trường EVN, các NMNĐ của EVN đều đã thực hiện công tác phân tích các thành phần, tính chất đặc trưng của tro xỉ và đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời các đơn vị cũng đã thực hiện đăng kí hợp chuẩn, hợp quy, giấy chứng nhận tro xỉ đủ điều kiện để tái sử dụng vào các mục đích cụ thể như làm phụ gia xi măng, bê tông, vật liệu san lấp, nền đường ô tô...
Vẫn cần chính sách khuyến khích đặc thù
Kết quả khả quan mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được là tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ các năm sau liên tiếp cao hơn năm trước. Năm 2020, dù ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ của EVN vẫn đạt tới hơn 83,4% khối lượng phát sinh. Trước đó, giai đoạn 2015 – 2018, tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ dừng ở mức hơn 40%.
Trong thời gian qua, công tác xử lý, tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện có nhiều thuận lợi. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông đã từng bước hoàn thiện; các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn cũng đã được ban hành. Việc này đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy của EVN.
Cùng đó, những lợi ích của việc tái sử dụng tro xỉ cũng được ghi nhận. Trên thế giới, tro xỉ được ứng dụng rất nhiều để xây dựng đường giao thông. Tro ẩm, tro thô là thành phần cấp phối cùng đá, cát, vôi... để đắp nền đường, gia cố kỹ thuật, làm lớp móng kết cấu, lớp đế thoát nước. Đối với tro bay được sử dụng làm mặt đường bê tông, xây dựng đường hầm hoặc làm bột khoáng của bê tông nhựa. Trong các công trình ngầm, hay những nơi có khả năng bị axit xâm thực, việc sử dụng tro bay sẽ làm tăng tính bền axit lên nhiều.
Bãi chứa xỉ của các nhà máy EVN được đảm bảo xanh, sạch. Ảnh: EVNGENCO 1
|
Hiện nay, EVN đang tiếp tục mục tiêu phấn đấu tiêu thụ 100% tro, xỉ. Tuy nhiên, tại các nhà máy khu vực phía Nam, do vị trí cách xa các thị trường tiêu thụ, gây khó khăn trong việc vận chuyển, chi phí đội lên cao. Cùng với đó, các tổ chức, người dân địa phương khu vực này chưa có thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ nhiệt điện. Đặc biệt, dù Việt Nam hiện đã có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để ứng dụng tro xỉ trong ngành giao thông, xây dựng nhưng vẫn chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đặc thù, do đó các chủ đầu tư các công trình vẫn chưa “mặn mà” trong việc tiếp nhận và sử dụng tro xỉ.
Theo các chuyên gia, cần thiết phải có quy định tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng không nung làm từ tro xỉ nhiệt điện đối với các công trình khác nhau theo nguồn vốn, theo vị trí địa lý và đặc thù công trình. Qua đó, khuyến khích việc tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro xỉ.
Ở góc độ khoa học, Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm vật liệu xây không nung; qua đó, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất từ tro, xỉ trên thị trường.