Từ bão số 10 năm 2013, điểm lại bão số 10 trong 50 năm qua ở Việt Nam

Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong “ổ bão” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Siêu Bão số 10 (tên quốc tế Wutip) đổ bộ vào Việt Nam vào ngày 30/9 được xác định là cơn bão mạnh nhất 6 năm qua đổ bộ vào Việt Nam và là một trong những cơn bão số 10 mạnh nhất trong lịch sử 50 năm.

Thiệt hại sơ bộ do Bão số 10 gây ra - Nguồn: Tuổi trẻ online (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/571938/bao-so-10-cha-xat-suot-4-gio-30-phut.html)                 

Bão số 10 mạnh cấp 13, giật cấp 14 đã đổ bộ vào miền Trung, trực tiếp là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế.

Từ 16 đến 18 giờ ngày 30/9, tâm bão số 10 đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Bình. Tại thị trấn Ba Đồn đã ghi nhận được có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14, Đồng Hới cũng có gió giật trên cấp 12.

Thống kê ban đầu tại các địa phương bị thiệt hai: 3 người chết, 26 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái; hàng chục nghìn ha cây công nghiệp bị gãy, đổ. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chỉ đạo quyết liệt khắc phục hậu quả.

Do ảnh hưởng của siêu bão số 10, vào lúc 12h52 ngày 30/9 đường dây (ĐD) 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố. Tiếp đó, vào lúc 15h27 cùng ngày ĐD mạch 1 đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập. Tuy vận hành độc lập nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chỉ đạo các đơn vị thành viên bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các khu vực không bị ảnh hưởng của cơn bão số 10 này.

Cũng do ảnh hưởng của siêu bão số 10, các đoạn ĐD 220 kV, 110 kV và các ĐD trung hạ áp tại khu vực miền Trung bị sự cố, gây mất điện phần lớn tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì cung ứng điện các miền, khẩn trương khôi phục hệ thống điện, đồng thời chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tổ chức ứng trực 24/24, tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các sự cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn trở lại trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền từ khi bão Xangsane vào năm 2006. Do cơn bão mạnh nên sau khi vào bờ, bão số 10 không tan nhanh mà vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, suy yếu dần.

Vì vậy, đợt mưa do hoàn lưu bão gây ra tại các tỉnh miền Trung sẽ kết thúc ngày 1/10. Riêng các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh mưa còn kéo dài thêm một đến hai ngày. Bão mạnh và chậm tan đã tạo ra sức tàn phá khủng khiếp trên dải đất bắc miền Trung.

Các cơn bão số 10 trong lịch sử 50 năm trở lại đây ở Việt Nam

Vùng ảnh hưởng

Thời gian xuất hiện

       Tên cơn bão

         Cấp bão

Bình Định - Ninh Thuận

14/12/1999

NONAME (Số 10)

Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

24/10/1995

YVETTE (Số 10)

Cấp 10 (89-102 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

19/11/1993

KYLE (Số 10)

Cấp 13 ( > 133 km/h)

Bình Thuận - Cà Mau

03/11/1988

TESS (Số 10)

Cấp 11 (103 - 117 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi

02/11/1984

AGNES (Số 10)

Cấp 12 (118-133 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

15/10/1983

KIM (Số 10)

Cấp 9 (75 - 88 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

31/10/1978

NONAME (Số 10)

Cấp 8 (62 - 74 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hóa

21/10/1974

DELLA (Số 10)

Cấp 10 (89-102 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

04/12/1972

THERESE (Số 10)

Cấp 10 (89-102 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận

07/11/1967

FREDA (Số 10)

Cấp 9 (75 - 88 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình

03/10/1964

CLARA (Số 10)

Cấp 13 ( > 133 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi

07/10/1961

WILDA (Số 10)

Cấp 7 (50 - 61 km/h)

(Theo Trung tâm tư liệu Khí tượng Thủy văn)

 

 


  • 01/10/2013 03:26
  • Kiều Anh (tổng hợp)
  • 10506