Mục đích của Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015 nhằm đánh giá lại hiện trạng các nhà máy điện của EVN hiện nay, đồng thời tìm ra những vấn đề còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, sửa chữa.
Tính đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW. Từ năm 2004 đến năm 2014 công suất đặt của các nhà máy điện tăng 3,2 lần, sản lượng điện sản xuất và mua tăng 3,1 lần. Hệ thống điện Việt Nam hiện nay đã xếp vào hệ thống điện lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà máy điện ở nước ta có nhiều loại hình sở hữu. Công suất nguồn do EVN và EVNGENCO làm chủ sở hữu chiếm 52,3% (18.426 MW); các công ty cổ phần có vốn góp của EVNGENCO có công suất đặt là 4.974 MW (chiếm 14,1%), công suất nguồn ngoài EVN là 10.564 MW (chiếm 33,6%). Nguồn điện cũng rất đa dạng về loại hình, bao gồm thủy điện, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện dốt dầu FO, tuabin khí chu trình hỗn hợp đốt khí, tuabin khí chu trình đơn đốt dầu DO, diesel.
Hội nghị Kỹ thuật nguồn điện năm 2015 do EVN tổ chức - Ảnh X.Tiến
|
Ông Đỗ Mộng Hùng – Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) cho biết: “Nguồn điện nước ta đa dạng nhưng chưa cân đối giữa các vùng miền. Trong khi miền Bắc bao gồm các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than; miền Trung bao gồm các nhà máy thủy điện; miền Nam gồm các nhà máy nhiệt điện khí, dầu và các nhà máy thủy điện. Hiện, miền Nam vẫn trong tình trạng thiếu nguồn điện tại chỗ nên hệ thống truyền tải 500 kV luôn phải vận hành với công suất cao, các nguồn điện ở phía Nam luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng, việc tách các tổ máy để sửa chữa, định kỳ rất khó khăn. Trong những năm tới, miền Trung và miền Nam sẽ được bổ sung các nhà máy nhiệt điện đốt than mới để dần cân bằng hệ thống”.
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN thì 76% chi phí giá thành điện chính là nằm ở khâu phát điện, phần còn lại là truyền tải và phân phối. Như vậy, nếu không nâng cao được hiệu quả hoạt động của khối phát điện thì EVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo điện cũng như bài toán kinh tế.
Để hoàn thành được tốt nhiệm vụ quản lý vận hành cũng như sản xuất kinh doanh trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An yêu cầu các tổng công ty, công ty phát điện phải đáp ứng được 3 nhiệm vụ: Thứ nhất, độ tin cậy sẵn sàng cao với sự cố ít, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng ngắn nhất; Thứ 2, tính kinh tế hiệu quả với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, suất tiêu hao nhiên liệu thấp, tỷ lệ điện tự dùng thấp; Thứ 3, sử dụng tối ưu thiết bị đầu tư đã có.
Để làm được 3 nhiệm vụ này Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản lý vận hành: “Nguyên tắc số 1 của lực lượng vận hành phải nắm sát tình hình vận hành. Điều này giúp ngăn ngừa được sự cố, chủ động sửa chữa, loại bỏ thiết bị tần suất cao, lý lịch vận hành của từng thiết bị phải nắm bắt, ghi chép trong từng ca trực và lãnh đạo đơn vị phải kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, lực lượng vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, các đơn vị phải ban hành quy trình vận hành cho từng thiết bị, mọi sự cố bất thường xảy ra phải phân tích kỹ lưỡng và tìm ra nguyên nhân cụ thể, kiên quyết không để xảy ra sự cố chủ quan. Ngoài ra các nhà máy phải sẵn sàng có thiết bị dự phòng thay thế trong trường hợp sự cố”.
8 chỉ tiêu đánh giá công tác quản lý sản xuất điện
1. Suất sự cố không vượt giá trị cho phép
2. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt hơn định mức
3. Thời gian sửa chữa lớn không vượt thời gian cho phép
4. Chất lượng sửa chữa lớn phải đảm bảo
5. Hoàn thành quyết toán sửa chữa lớn sau 2 tháng đưa vào làm việc
6. Không có vi phạm kỷ luật vận hành, vi phạm quy trình quy phạm, chế độ phiếu, lệnh công tác, thao tác
7. Thực hiện đúng phương thức của điều độ quốc gia
8. Đạt yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ
|