Đoàn công tác kiểm tra thực địa gồm Văn phòng Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án điện miền Trung (CPMB) và các đơn vị liên quan.
Dự án ĐD 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi (mạch kép) đi qua địa phận 102 xã của 27 quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự án có chiều dài tuyến hơn 500 km, gồm 1.104 vị trí móng, điểm đầu là vị trí 01 (đấu nối vào sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch) và điểm cuối là vị trí 1096 (đấu nối vào TBA 500 kV Dốc Sỏi).
Đoàn công tác tặng quà cho đơn vị thi công tại công trường
|
Đây là một cấu phần đồng bộ của dự án ĐD 500 kV mạch 3 bao gồm ĐD 500 kV: Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi - Pleiku 2 với tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là gần 12.000 tỷ đồng. Dự kiến, tổng thời gian thi công các dự án là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng tháng 5-6/2020.
Ông Nguyễn Thái Sơn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cho biết, chuyến công tác nhằm nắm bắt tình hình tiến độ; động viên cán bộ công nhân, người lao động thi công trên công trường, đồng thời ghi nhận kiến nghị của các bên trong quá trình thi công, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo, từ đó đưa ra các phương hướng giải quyết hiệu quả, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.
Đoàn công tác cũng đã đến thực địa và kiểm tra công tác đào móng cột tại một số địa điểm tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị. Điển hình, tại vị trí thuộc xã Hòa Ninh (Hòa Vang – TP. Đà Nẵng) phải hiệu chỉnh đoạn tuyến để tránh khu dân cư xã Hòa Ninh và giảm thiểu phần hành lang tuyến qua huyện Hòa Vang. Hiện nay, Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng đã thông qua toàn bộ hồ sơ chi tiết điều chỉnh, chỉ còn đợi UBND TP Đà Nẵng phê duyệt là có thể triển khai các vị trí này.
Ông Huỳnh Xuân Lợi – Chỉ huy trưởng công trình (Chi nhánh miền Nam – Công ty CP Sông Đà 11) cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ, với sự hỗ trợ của CPMB, đơn vị đã chủ động vận động và thỏa thuận đền bù với người dân để có mặt bằng thi công. Chi nhánh đang huy động tối đa lực lượng triển khai cùng lúc nhiều công việc, tận dụng thời tiết thuận lợi do đang mùa khô. Tuy nhiên, có những vị trí hết sức khó khăn do khoảng cách từ chỗ xe cơ giới không thể di chuyển tiếp, lên tới chân công trình khoảng 10 km.
Các đơn vị thi công đang tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ công trình
|
Tại công trường, các đơn vị đã báo cáo chi tiết tình hình xây dựng. Dù thời tiết nắng nóng, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đường xá vận chuyển vật liệu khó khăn... nhưng các đơn vị đều cố gắng khắc phục, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương để giải quyết.
Các đơn vị cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có chỉ đạo về cơ chế đền bù nhằm sớm có mặt bằng thi công; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPPMB cho biết, nếu thực hiện đúng quy trình phê duyệt bàn giao mặt bằng phải mất trên 6 tháng, nhưng với sự chủ động, nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, hiện tiến độ dự án đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thái Sơn cho biết các ý kiến sẽ được tổng hợp để báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (Trưởng Ban Chỉ đạo) để có hướng giải quyết sớm nhất.