Vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại Đắk Lắk: Còn cảnh báo đến bao giờ?

Hơn 4.000 cây cao su nằm trong danh sách vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, làm gián đoạn cung cấp điện đặc biệt trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cảnh báo vẫn chỉ là… cảnh báo!

Công ty Điện lực (PC) Đắk Lắk đang quản lý vận hành 286,6 km đường dây trung thế 35 kV, trên 3.500 km đường dây trung thế 22 kV và hơn 4.100 km đường dây hạ thế. Đáng chú ý, nhiều đoạn đường dây đi qua nông trường và vườn cây cao su, nên số lượng cây nằm trong và liền kề hành lang bảo vệ an toàn lưới điện rất lớn, lên đến hơn 4.000 cây, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Hồ, Krông Năng, Ea Súp, Cư M’Gar. 
 
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó trưởng phòng An toàn PC Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, PC Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xử lý. 
 

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại đắk lắk diễn ra rất phức tạp - Ảnh: Hương Cẩm

 
Đồng thời, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ đã quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, trong đó quy định cụ thể về khoảng cách đường dây dẫn điện trên không vượt qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, vườn trồng cây...
 
Tại các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định số 14, song trên thực tế việc làm này chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị quản lý nông trường, công ty cao su cũng như chính quyền và người dân địa phương, dẫn đến những sự cố làm gián đoạn cung ứng điện.
 
Điều đáng nói, cây cao su là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhưng rất dễ đổ nếu gặp gió, giông lốc mạnh. Mặc dù đã được tuyên truyền, song nhiều nông trường chỉ cho chặt, tỉa cành nhánh nhỏ. Riêng phần ngọn cây, nông trường không đồng ý chặt bớt vì sợ mất sản lượng mủ hoặc yêu cầu đơn giá đền bù lớn. Trong khi đó, Điều 23, Nghị định số 14 quy định rõ “mức bồi thường đối với các trường hợp cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được thực hiện một lần đối với một cây và do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với thực tế của địa phương”.
 
Thực tế, ngành Điện đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với người dân, chủ quản lý nông trường và chính quyền địa phương tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, song tình trạng vi phạm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Văn Sỹ, ngoài sự nỗ lực của ngành Điện đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 14 ở các cấp, giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại các khu vực trồng cây cao su, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho người dân. Nếu không có sự vào cuộc một cách quyết liệt thì cảnh báo mãi chỉ là cảnh báo mà thôi! 
 
Điều 12, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP (ngày 26/2/2014) quy định:
Đối với đường dây dẫn điện trên không vượt qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, vườn trồng cây thì khoảng cách theo phương thẳng đứng từ chiều cao trung bình của cây đã phát triển tối đa đến dây dẫn điện thấp nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại:
 

Điện áp

Đến 35 kV

110 kV

220 kV

500 kV

Khoảng cách

Dây bọc

Dây trần

Dây trần

0,7 m

2,0 m

3,0 m

4,0 m

6,0 m

 
Một số sự cố điện do cây cao su đổ:
 
- Từ 7/2014 đến 7/2015, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 72 sự cố do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, trong đó có 62 vụ liên quan đến cây, cành cây ngã đổ, gác lên đường dây.
- Ngày 17/6/2015, một cơn lốc lớn đã làm đổ một số cây cao su trồng trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm gián đoạn cung cấp điện.
- Ngày 1/4/2015, một số cây cao su cũng đã bị giông lốc quật đổ làm đứt dây điện cao áp thuộc địa phận huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, gây mất điện trong 9 giờ. 
 
 
 


  • 12/10/2015 10:19
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 521678


Gửi nhận xét