Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng điện khu vực miền núi

Thời gian qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã đầu tư, triển khai nhiều dự án xây dựng mới, nâng cấp lưới điện khu vực miền núi trên địa địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Hiện nay, chất lượng cung cấp điện khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản đảm bảo, đáp ứng tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, còn xảy ra cục bộ hiện tượng điện áp thấp, chất lượng điện năng kém hơn so với khu vực thành thị và vùng đồng bằng. Nguyên nhân, do lưới điện PC Vĩnh Phúc tiếp nhận hệ thống lưới điện từ các đơn vị bán lẻ điện nông thôn có chất lượng kém, đang trong quá trình đầu tư cải tạo chưa hoàn thành,. Bên cạnh đó, các hợp tác xã, tổ chức kinh doanh điện nông thôn công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến, chưa đảm bảo về kỹ thuật an toàn điện và chất lượng điện năng.

Để nâng cao chất lượng điện năng khu vực miền núi, hàng năm, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã chủ động trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của các hợp tác xã và đơn vị kinh doanh điện để đầu tư, cải tạo nâng cao chất lượng cung cấp điện; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật vận hành, kiểm tra xử lý tồn tại lưới điện, xử lý triệt để hiện tượng tiếp xúc, phát nhiệt trên lưới điện; thường xuyên thực hiện cân pha, san tải, tập trung các nguồn vốn sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên để thay dây dẫn cũ kém; không ngừng củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện của khách hàng; phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về việc sử dụng điện hiệu quả và an toàn.

Từ đầu năm đến nay, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống điện khu vực các huyện miền núi Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, điển hình như: Cải tạo lưới 10 kV lên vận hành cấp điện áp 22 kV; xây mới bổ sung các trạm biến áp và lộ đường dây trung, hạ thế; cải tạo, nâng cấp lưới điện. Hiện nay, 100% các xã miền núi đã bao phủ lưới điện trung, hạ thế và 100% số hộ được cấp điện từ lưới điện quốc gia.

Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đạo Trù (Tam Đảo) cho biết: “Từ năm 2016, gần 50 hộ dân ở khu lâm trường, thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù được sử dụng lưới điện quốc gia. Qua hơn 1 năm sử dụng, tôi thấy chất lượng điện được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, nhiều nhà cùng sử dụng, dẫn đến tình trạng điện kém hơn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng điện khu vực miền núi nói chung và xã Đạo Trù nói riêng”.

Mặc dù, đã đạt những kết quả tích cực trong công tác nâng cao chất lượng điện khu vực miền núi, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc gặp phải một số khó khăn do quá trình tiếp nhận nguyên trạng lưới điện hạ áp nông thôn thuộc nguồn vốn REII, cònnhiều tồn tại về hành lang lưới điện như: Cột điện nằm trong đất của dân, đường dây đi qua đất của nhà dân nhưng chưa thực hiện thủ tục đền bù, gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành và cấp điện cho khách hàng; một số hộ dân không cho ngành Điện thực hiện kiểm tra lưới điện, ghi chỉ số công tơ, cải tạo nâng tiết diện dây dẫn; nhiều cây của hộ dân có nguy cơ đe dọa hành lang an toàn lưới điện khi thời tiết có mưa to, gió lớn va chạm vào đường dây gây mất điện ảnh hưởng đến việc cung cấp điện; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thỏa thuận tuyến để xây dựng các công trình điện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình điện.

Ông Phan Thanh An, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết: “Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng điện khu vực miền núi, trong thời gian tới, Công ty Điện Lực Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải; tăng cường các biện pháp quản lý kỹ thuật vận hành để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện áp và tổn thất điện năng; từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng công nghệ mới vào công tác sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động, cải tiến dịch vụ khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng... làm tiền đề cho việc xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiếp nhận lưới điện từ các tổ chức bán lẻ điện nông thôn để đầu tư, cải tạo lưới điện cho đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan truyền thông để thực hiện công tác tuyên truyền về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”.


  • 13/12/2017 02:57
  • Theo Báo Vĩnh Phúc
  • 11062