Vốn cho các công trình nguồn điện: Lời giải nào?

Theo Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn 2011 – 2020, vốn đầu tư cho các công trình nguồn điện cần khoảng 619,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư cho toàn ngành Ðiện đến năm 2020). Ðây là một thách thức lớn đối với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) trong điều kiện kinh tế đất nước đang khó khăn và tình hình kinh tế thế giới còn phức tạp.

Ưu tiên các công trình trọng điểm                                        

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, trong đó điện phải đi trước một bước, Chính phủ đã cho phép các dự án đầu tư vào ngành Điện được hưởng cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, ngoài việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong nước, còn khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, vay thương mại nước ngoài, thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển các dự án điện.

Tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ và các bộ, nỗ lực cùng các tổ chức tài chính, tín dụng, EVN đã ký hợp đồng vay vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 6.000 tỷ đồng cho dự án Thủy điện Lai Châu (tháng 10/2011); ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trị giá 64,2 triệu USD cho dự án Nhà máy Thủy điện Srêpôk 4A (tháng 3/2012). Bên cạnh đó, EVN còn ký các hợp đồng vay vốn tín dụng ưu đãi với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với tổng giá trị 5.585 tỷ đồng cho công tác bồi thường di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, cấp vốn cho các dự án Thủy điện Tuyên Quang, Huội Quảng, Bản Chát…

Các công trình nguồn điện trọng điểm luôn được ưu tiên về vốn đầu tư. Ảnh: Vũ Lam

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên cũng đã thu xếp thành công nguồn vốn vay nước ngoài với giá trị hơn 4,9 tỷ USD; vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt hơn 3 tỷ USD; nguồn vay tín dụng xuất khẩu kết hợp ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đạt hơn 1,8 tỷ USD. Các nguồn vốn vay nước ngoài thu xếp được có ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu cấp bách về vốn cho các công trình trọng điểm.

Bà Đào Dung Anh – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: “Năng lượng vừa là ngành sản xuất công nghiệp quan trọng, vừa là cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Vì vậy, VDB luôn đặc biệt chú trọng đáp ứng đủ vốn cho các dự án trọng điểm thuộc ngành Điện, trong đó tập trung lớn nhất vào các công trình nguồn điện”. Dự kiến năm 2012, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ cho dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La vay 300 tỷ đồng; cho vay 5.500 tỷ đồng đối với Dự án Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và một số công trình nguồn điện quan trọng khác.

Giai đoạn

2011 - 2020

2021- 2030

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu

330 – 362 tỷ kWh

695 – 834 tỷ kWh

Tổng nhu cầu vốn đầu tư

929,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 48,8 tỷ USD)

1.429,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 75 tỷ USD)

Đầu tư vào nguồn điện

619,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư)

935,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 65,5% tổng vốn đầu tư)

Đầu tư vào lưới điện

210,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư)

494 nghìn tỷ đồng (chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư)

Nguồn: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030

 Còn rào cản nào?

Theo ông Vũ Hoàng Chương – Trưởng phòng Đầu tư và Tư vấn – Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), trong tình trạng thiếu hụt điện năng như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước để đầu tư phát triển các dự án điện là không khả thi. Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng công trình nguồn điện theo các hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), IPP (nhà máy điện độc lập), BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), PPP (đầu tư công – tư).

Song trên thực tế, số dự án trong danh mục của Quy hoạch điện VI đi vào hoạt động dưới hình thức IPP (17 dự án) và BOT (2 dự án) vẫn không đáp ứng đủ so với yêu cầu. “Khi mà 47 dự án IPP, BOT trong lĩnh vực phát điện tính đến năm 2015 hầu như vẫn còn trên giấy hoặc đang triển khai thì nguồn điện cung cấp chủ yếu hiện nay vẫn là các nhà máy do EVN đầu tư, quản lý hoặc nắm cổ phần chi phối”, ông Vũ Hoàng Chương khẳng định.

Việc đầu tư vào ngành Điện đòi hỏi vốn lớn, trong khi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại rất hạn chế. Đây thực sự  là rào cản lớn cho khu vực tư nhân khi tham gia đầu tư vào các công trình nguồn điện. Ví dụ, một nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT hay IPP công suất 1.200 MW thì tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Nhà đầu tư phải có tối thiểu 20% (khoảng 400 triệu USD) vốn chủ sở hữu, sau đó phải có khả năng vay khoảng 1,6 tỷ USD.

Giá điện ở Việt Nam cũng là một trong những rào cản cho việc đầu tư phát triển vào ngành Điện. Khi giá điện thấp, nhiều doanh nghiệp không quan tâm cải tiến, đổi mới công nghệ, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn điện năng. Bên cạnh đó, giá điện thấp cũng không thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào ngành Điện.

Theo bà Đào Dung Anh, do việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn nên nguồn vốn hiện nay vẫn được ưu tiên đặc biệt cho các dự án lớn, các công trình trọng điểm của quốc gia. Vì vậy, “cần rà soát lại quy hoạch điện, đảm bảo tính ổn định và đồng bộ hơn nữa giữa các khâu: Nguồn điện, truyền tải và phân phối điện…”.

Ông Vũ Hoàng Chương - Trưởng phòng Đầu tư và Tư vấn, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance): Một cơ chế giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, cùng với một tỷ lệ lãi hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp tự tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất. Đây mới chính là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào các khâu phát điện; xã hội hóa hoạt động kinh doanh điện; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tạo ra một thị trường điện cạnh tranh và phát triển bền vững.

 


  • 01/08/2012 10:53
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 10098


Gửi nhận xét