Vui hơn vì Tết này có điện

Tết này, người dân vùng nông thôn sâu ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sẽ đặc biệt hơn mọi năm, bởi đây là cái Tết đầu tiên bà con được dùng điện lưới Quốc gia.

Những ngày trung tuần tháng Chạp, chúng tôi lại theo chân các nhân viên ngành Điện về ấp 7, xã Lương Nghĩa, lắp đặt đồng hồ điện. Sau gần 3 tháng khởi công các dự án kéo điện về nông thôn, đồng hồ điện đã bắt đầu xuất hiện trên các trụ hạ thế.

Dọc con đường dẫn vào các hộ ở kênh ngăn mặn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn. Khi những trụ điện dựng lên, dường như người dân phấn khởi hẳn lên. Vì thế mà trong từng câu chuyện chia sẻ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân khi Tết này đèn điện sẽ tỏa sáng lung linh khắp xóm.

Vừa thấy dáng nhân viên điện lực, ông Nguyễn Văn Thiện (89 tuổi), ở ấp 7 đã chạy ra đón. Ông Thiện không giấu được niềm vui, tâm sự: “Mấy bữa nay trông mấy chú ngành Điện lắm. Nói thật, gần cả đời người, tôi mới đợi được nguồn điện Quốc gia về nhà. Tôi đi nhiều nơi, nhìn mọi người được sử dụng điện mà thấy thèm, chỉ ước sao gia đình, con cháu có điện để sinh hoạt, sản xuất. Nay thì cuộc sống không có điện đã chấm dứt. Có điện, tụi nhỏ cũng không còn phải chịu cảnh học bài bên ánh đèn chớp tắt như trước nữa”.

Niềm vui của ông Thiện cũng là niềm vui chung của bà con nơi đây. Khi đóng điện, những ngôi nhà trở nên sáng hơn vào ban đêm, cuộc sống cũng ấm cúng và đông vui hơn rất nhiều, bởi có ánh sáng của điện lưới Quốc gia. Tiếp lời ông Thiện, chị Nguyễn Thị Diệu (con gái ông Thiện) kể: “Cả nhà ai cũng nôn nao chờ có điện. Chứ hồi trước tới giờ toàn xài điện câu đuôi ngán quá. Tiền điện trả có khi tới 300.000 đồng/tháng nhưng chỉ để thắp sáng, xem ti vi mà đổi lại điện rất yếu, con cái không học hành gì được vào buổi tối”.

Tiếp cận điện lưới Quốc gia, bà con xem ti vi, tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào sản xuất. Ngoài việc thắp sáng, nấu ăn, điện còn dùng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn. Rồi từ đây, cơ hội đổi thay cuộc sống mới bắt đầu. Không giấu được niềm vui, ông Phan Thanh Bản, tâm tình: “Con tôi ngày nào cũng gọi điện về hỏi “có điện chưa ba. Nó bảo nó đã sắm xong bếp điện, bàn ủi, nồi cơm điện mới. Cái tủ lạnh trong góc nhà nó mới mua đó”.

“Chúng tôi chia từng nhóm nhân viên ra thực hiện cho nhanh. Công tác lắp đặt công tơ rất gấp rút vì kế hoạch đưa ra là đóng điện trước Tết. Để làm cho kịp, chúng tôi ưu tiên cho các hộ chưa có đồng hồ điện hoặc những hộ có khoảng cách kéo dây câu đuôi xa. Đối với các hộ kéo điện vượt kênh thì vẫn còn chờ lắp đặt trụ đỡ mới gắn công tơ được. Chúng tôi rất vui vì đi đến đâu bà con cũng hỗ trợ nhiệt tình làm cho mọi công việc thực hiện trôi chảy hơn”, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Long Mỹ, chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Thọ, Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, cho biết: Công tác cấp điện nông thôn luôn được Sở Công Thương và ngành Điện quan tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện, nhất là sớm hoàn thành tiêu chí số 4 cho các xã xây dựng nông thôn mới. Công ty luôn phối hợp với Sở Công thương, các địa phương để kiểm tra tình hình cấp điện trên các địa bàn để có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện từ trung áp, hạ áp. Năm 2018 này, Công ty sẽ đầu tư thêm 10 công trình điện với tổng vốn đầu tư hơn 72 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn vay khoảng 52 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành Điện cũng cải tạo, sửa chữa 33 công trình lớn nhỏ nhằm nâng cao chất lượng điện phục vụ người dân, nhất là các tuyến có nhiều hộ câu đuôi. Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, đơn vị sẽ thực hiện theo lộ trình để đến năm 2020, cơ bản tất cả các hộ dân đều tiếp cận được điện lưới Quốc gia.

Thật khó tả hết niềm vui của hàng trăm hộ dân ở vùng sâu, vùng xa khi có điện sinh hoạt, sản xuất sau bao năm chờ đợi. Điện không chỉ thắp sáng những vùng nông thôn mà còn góp phần phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần của người dân nơi đây.


  • 08/02/2018 06:13
  • Theo Báo Hậu Giang
  • 11152