Vượt khó đưa điện đến đảo Lại Sơn

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang cùng các nhà thầu dốc sức, vượt khó để thi công xây dựng đường dây 110 kV vượt biển đưa điện lưới quốc gia đến với xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang).

Căng mình vượt biển

Trong những ngày đầu năm 2016, chúng tôi có cuộc hành trình theo chân những người thợ xây dựng đường dây điện 110 kV vượt biển cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn. Trên con tàu đến với xã đảo, ông Phạm Ngọc Lễ, Phó tổng giám đốc EVNSPC cho biết, Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn được khởi công xây dựng đầu tháng 9/2015.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Tổng công ty cùng các nhà thầu cho triển khai 2 hướng thi công móng trụ trên biển. Những móng trụ này sau khi được xây dựng hoàn tất, các nhà thầu xây lắp điện sẽ tiến hành ngay việc dựng trụ và kéo dây trên không, đảm bảo đưa điện lưới quốc gia đến với bà con trên đảo vào dịp 30/4/2016.

Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 triển khai đóng móng cọc trụ điện của đường dây 110 kV vượt biển - Ảnh: Đình Hoàng.

Từ cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang (nơi tiếp bờ phía đất liền của đường dây điện 110 kV), chúng tôi đã nhìn thấy những hàng trụ móng cột đầu tiên đã được dựng lên và cắm sâu trong lòng biển. Được biết, đây là gói thầu xây dựng móng trụ đoạn từ đất liền hướng ra đảo Lại Sơn (gồm 17 trụ) do liên danh Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco 1 đảm trách.

Ông Nguyễn Trọng Đức, Chỉ huy trưởng công trường cho biết hiện đang tiến hành đóng cọc thử ở từng vị trí móng, sau khi các đơn vị chức năng tiến hành kiểm định, đơn vị thi công sẽ cho đóng cọc đại trà, mỗi đế móng có diện tích 100 m2 và sẽ đóng từ 20 - 35 cọc, tùy vào tình hình địa chất thực tế của từng vị trí cột.

Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc EVNSPC cho biết, công trình xây dựng đường dây 110 kV đưa điện ra đảo Lại Sơn có tổng mức đầu tư trên 484,5 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ cấp điện cho gần 2.000 hộ dân trên đảo này.

Năm 2018, EVNSPC sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án, đó là xây dựng đường điện nối tiếp từ Lại Sơn đưa điện đến đảo An Sơn và quần đảo Nam Du.  

Ông Đức cũng cho biết, do thời tiết thất thường, biển động và thường xuyên có sóng lớn gây trở ngại cho việc thi công nên tiến độ có phần chậm so với kế hoạch. “Chính vì vậy, chúng tôi phải tăng cường lực lượng, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ và làm bất kể ngày đêm khi điều kiện thời tiết cho phép. Ngoài những máy móc thiết bị cần thiết, trên công trường thường xuyên túc trực 60 - 80 kỹ sư, công nhân để cùng lúc thực hiện nhiều phần việc thi công khác nhau.”- ông Đức cho biết. 

Ở phần còn lại, từ phía đảo Lại Sơn, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô - nhà thầu xây dựng 31 móng trụ từ Lại Sơn hướng vào bờ cũng đang khẩn trương triển khai thi công với đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực.

Một loạt các công việc chuẩn bị đã và đang được nhà thầu này triển khai như gia công cốp pha móng, thành, cột; gia công lắp dựng sàn đạo thép để đóng cọc thử, khung định vị; lập hệ thống lưới quan trắc; sản xuất cọc thử; nạo vét luồng lạch, định vị tim móng trụ...

Đại diện nhà thầu cho biết, hiện đã vận chuyển tập kết đủ số lượng cọc thử, gồm 62 cọc cho toàn 31 trụ, đồng thời triển khai lắp dựng sàn đạo cho công tác đóng cọc thử tại mỗi vị trí trụ.

“Mong, ngóng điện lưới quốc gia từng ngày”

Có mặt trên đảo Lại Sơn, điều mà chúng tôi nhận thấy đó là tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Trưởng trạm phát điện Lại Sơn, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trạm có 3 máy phát với tổng công suất 1,3 MW, nhưng chỉ chạy 2 máy, máy còn lại để dự phòng.

Với 2 máy này công suất này chỉ đảm bảo cơ bản nhu cầu thắp sáng sinh hoạt của người dân, vì vậy vào giờ cao điểm chỉ cần một vài gia đình bật máy lạnh là có thể điện sụt áp. Nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của bà con trên đảo rất lớn, nhưng với hiện trạng máy phát như hiện nay không thể nào đáp ứng đủ.

Ông Nguyễn Đức Tài - Trưởng ấp Bãi Nhà B (xã đảo Lại Sơn) chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng điện trên đảo rất lớn và bà con luôn mong muốn có điện lưới quốc gia để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Khi hay tin có điện lưới quốc gia kéo ra đảo, chúng tôi mong ngóng từng ngày”.

Nhiều người dân trên đảo đã bắt đầu đầu tư phát triển kinh doanh - Ảnh: Đại Dương.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Tài, lâu nay bà con trên đảo sử dụng điện từ máy phát diesel. Trước đây giá bán điện từ 3.000-4.000 đồng/kWh nhưng kể từ tháng 7 năm 2014, khi Chính phủ có chủ trương giảm giá bán điện các đảo xuống ngang bằng đất liền, bà con phần nào giảm được gánh nặng tiền điện. Tuy nhiên, hiện tại điện chỉ phát 15 giờ mỗi ngày nên việc sử dụng thiết bị điện trong gia đình gặp rất nhiều trở ngại và tuổi thọ của các thiết bị điện cũng giảm mạnh.

Trong nỗi mong, ngóng sự xuất hiện của nguồn điện lưới quốc gia trên đảo, đã có những gia đình dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chị Trương Thị Màu, ấp Bài Nhà B cho biết, cách nay khoảng nửa tháng, gia đình chị đã mua một chiếc tủ mát về để kinh doanh kem. Chị Màu tâm sự: “Tụi nhỏ ở đây rất thích ăn kem và từ lâu tôi muốn bán kem nhưng vì điện chập chờn lúc có lúc không nên ngại. Giờ nghe sắp có điện lưới, tôi mua chiếc tủ mát này…”. Trên đảo, các dịch vụ cần đến điện như đóng mới và sửa chữa tàu đánh cá, dịch vụ vi tính, trò chơi điện tử, dịch vụ hậu cần du lịch… cũng đang khởi sắc theo những bước đi của điện.

Còn chủ nhà trọ Thanh Tú (ấp Bãi Nhà A) đã tính toán: “Điện lưới quốc gia đến với đảo, khách du lịch đến đảo ngày càng nhiều nên gia đình tôi cũng đã chuyển hướng sang kinh doanh nhà trọ và đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà trọ”.

Trên bến cảng chờ tàu đưa vào đất liền, chúng tôi thấy mỗi chuyến tàu từ đất liền cập đảo thì có ít nhất vài ba người đem theo đồ điện, trong đó có cả máy lạnh, loại mà xưa nay bà con ngoài đảo rất ít biết đến. Rồi mai đây, khi dòng điện lưới quốc gia đến với đảo, chắc chắn đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của bà con sẽ có nhiều đổi thay.

Đảo Lại Sơn huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang:

* Nằm trong vịnh Hà Tiên thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

* Cách thành phố Rạch Giá khoảng 60 km về hướng Tây Nam,

* Có diện tích tự nhiên 1.095 ha với khoảng 2.000 hộ dân sinh sống (dân số 8.120 người).

* Nhân dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ.

 


  • 16/02/2016 11:01
  • Ngọc Tuấn
  • 11550


Gửi nhận xét