Xuân ấm áp bản tái định cư Thủy điện Sơn La

Vượt qua những khó khăn ban đầu, sau hơn 5 năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của bà con ở các bản tái định cư Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) dần ổn định, người dân bắt đầu quen và làm chủ nơi vùng đất mới. Các phong tục cũ vẫn được lưu truyền, giữ gìn và phát huy, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên từng bước.

Nằm cách trung tâm huyện Thuận Châu (Sơn La) khoảng 8 km, con đường đến bản Trai Chanh xã Tông Lạnh giờ đây được mở rộng hơn trước, xe ô tô đã vào được tận bản để vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Năm 2009, 50 hộ dân ở bản Trai, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai di cư đến đây để nhường đất cho dự án thủy điện lớn nhất cả nước. Những hy sinh của người dân nơi đây cho dòng điện quốc gia là rất lớn, họ phải rời bỏ nơi "chôn rau cắt rốn" của mình đến nơi ở mới, bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều khó khăn thử thách. 

Nhiều bản tái định cư Nhà máy Thủy điện Sơn La đã dần ổn định cuộc sống - Ảnh CTV

Ông Lù Văn Ớm, trưởng bản Trai Chanh, nhớ lại: Khi mới chuyển đến đây việc ổn định đời sống của người dân thật sự gặp rất nhiều khó khăn vì quỹ đất dành cho sản xuất rất eo hẹp, mặt khác người dân chưa quen với điều kiện địa hình, khí hậu nên việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm phần nào cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, đến nay bà con đã cơ bản quen và làm chủ được vùng đất mới, các loại cây trồng, vật nuôi trước ở quê nhà đã được trồng và nhân giống thành công, cuộc sống của người dân đang có những đổi thay từng ngày. 

Đi một vòng quanh bản, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được không khí đón xuân mới của người dân nơi đây, bên những nếp nhà sàn đặc trưng của người Thái mọc san sát bên các trục đường đã được trải nhựa bằng phẳng, nhiều gia đình đang sửa sang lại ngôi nhà, một số người vào rừng lấy lá rong gói bánh. Vui nhất có lẽ là những đứa trẻ, chúng đang háo hức đón chờ một mùa xuân mới. 

Em Lò Văn Tuấn, sinh năm 2001 cho biết: Đây là năm thứ 6 em đón xuân trên vùng đất này, Tết ở đây cũng vui không kém gì ở quê cũ vì cũng có nhiều bạn chuyển lên trên này. 
Gia đình chị Lù Thị Sương cũng như bao gia đình khác trước khi chuyển về vùng đất mới rất lo lắng bởi không biết sẽ làm ăn sinh sống ra sao, nhưng đến giờ gia đình chị đã dần quen với cuộc sống trên quê hương mới. Chị Sương tâm sự, chuyển đến đây cuộc sống có nhiều tiện lợi, giao thông đi lại rất thuận tiện chứ không như ở quê cũ, trường học rất gần bản, bọn trẻ đi học đỡ vất vả hơn và đặc biệt là dịch vụ y tế ở đây rất tốt, đau ốm lúc nào là có thể khám được ngay. 

“Lúc đầu mới chuyển về đây cũng lo lắm, nhưng được các cán bộ khuyến nông trên huyện, xã vào tận nơi tập huấn, chỉ dạy cách phát triển chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống giờ đã ổn định rồi. Năm nay cả bản ăn Tết to vì vụ ngô vừa rồi được giá lại cộng thêm số gia súc, gia cầm ngày càng phát triển tốt” - chị Sương vui vẻ nói. 

Ông Lù Văn Lo, Bí thư Chi bộ bản cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con nơi đây được nâng lên rõ rệt, hiện tất cả các hộ ở bản khu tái định cư đều được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh. Hệ thống trạm y tế rất thuận lợi đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, gần 100% số hộ mua sắm ti vi, xe máy. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm… 

Niềm vui của bà con bản tái định cư khi được mùa ngô - Ảnh X.Tiến

Cũng như bản Trai Chanh, cuộc sống của người dân bản tái định cư Quỳnh Phố, xã Chiềng Đen thành phố Sơn La cũng có nhiều khởi sắc. Ông Điêu Văn Hơn, trưởng bản cho biết: Năm 2007, 52 hộ dân ở bản Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai chuyển về đây sinh sống để nhường đất cho dự án thủy điện. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, đến nay đời sống của người dân bản tái định cư đã cơ bản ổn định, thậm chí nhiều hộ đã tận dụng được lợi thế để phát triển trồng trọt, chăn nuôi vươn lên làm giàu không chỉ cho gia đình mà còn góp phần thay đổi diện mạo của bản làng miền núi. 

Anh Lò Văn Nảo, người dân trong bản cho rằng, chuyển về nơi ở mới quỹ đất dành cho sản xuất bị hạn chế nhưng bù lại giao thông đi lại thuận tiện, người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trường học và trạm y tế đều ngay gần bản. Hơn nữa, trước kia người dân trong bản chỉ biết trồng ngô, sắn và chăn nuôi nhưng khi chuyển về đây được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, bà con đẩy mạnh phát triển cây cà phê, đây là cây trồng chính giúp người dân thoát nghèo. 

Nói về phong tục đón Tết, anh Nảo chia sẻ: Tết ở đây cũng vui lắm, những phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà hay tục lễ gội đầu vào ngày đầu năm vẫn được người dân duy trì. Tuy đã xa quê nhưng phong tục cũ vẫn phải lưu truyền để cho con cháu đời sau biết đến. 

Ông Đỗ Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức - Đời sống (Ban quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La) khẳng định: Cho đến thời điểm này, đời sống của hầu hết người dân các bản tái định cư đều ổn định, người dân đã dần quen và làm chủ được vùng đất mới, các thiết chế văn hóa mới được hình thành, các phong tục cũ vẫn được lưu truyền và phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. 

Chia tay các bản tái định cư thủy điện Sơn La trong không khí tràn đầy sức xuân, dù vẫn biết còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui của bà con trên quê hương mới. Một mùa xuân ấm áp đang về với bản làng tái định cư thủy điện Sơn La.


  • 01/02/2014 09:47
  • Theo TTXVN
  • 3333


Gửi nhận xét