Sinh kế Thủy điện Trung Sơn: Thành công từ những mô hình thí điểm

Tái định cư cho người dân vùng có dự án thủy điện không phải đơn thuần là cấp đất, xây nhà, trao tiền đền bù là xong. Gìn giữ văn hóa và tạo dựng sinh kế lâu dài cho người dân mới là điều cốt yếu và thách thức cho mỗi dự án thủy điện. Thuỷ điện Trung Sơn đang làm tốt công tác sinh kế cho bà con địa phương.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện (8/2012 - 10/2013) các mô hình sinh kế giai đoạn thí điểm của Dự án Thủy điện Trung Sơn đã có những thành công bước đầu, người dân đã quen dần với những cách làm mới, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất.

Chương trình sinh kế thí điểm được diễn ra tại 5 bản bị ảnh hưởng là Co Me, Tà Bán  (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Nàng 1 và Tổ Chiềng (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) và Bản Đông Tà Lào (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) với ba lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, phi nông nghiệp và phát triển thị trường.

Về hoạt động trồng trọt, đã thành lập được 5 nhóm sở thích trồng lúa nước, trồng rau và trồng ngô lai với 56 hộ gia đình tham gia. Hoạt động chăn nuôi có 8 nhóm sở thích nuôi lợn lai, ngan lai và gà ta với 219 hộ gia đình tham gia. Ngoài ra, chương trình đã đào tạo được 7 nhân viên thú y, phân bố ở các bản. Hoạt động phi nông nghiệp thành lập được 3 nhóm bao gồm nhóm nâng cao năng lực kinh doanh buôn bán nhỏ tại địa phương, nhóm hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho thanh niên và nhóm tổ chức sản xuất kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm với 87 thành viên tham gia.

Các cán bộ sinh kế của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn và chuyên gia Tư vấn đã đào tạo lý thuyết và thực hành cho bà con, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức các đợt tham quan và học tập kinh nghiệm. Chương trình còn cung cấp con giống, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng hộ gia đình tham gia.

Cán bộ sinh kế Thủy điện Trung Sơn trao đổi kiến thức về sản xuất nông nghiệp cho bà con vùng tái định cư

Anh Phạm Bá Khang, nhóm chăn nuôi lợn ở bản Co Me chia sẻ: “Gia đình tôi được Dự án hỗ trợ 4 con lợn giống và toàn bộ thức ăn chăn nuôi. Cán bộ sinh kế Thủy điện Trung Sơn xuống tận nơi hướng dẫn cho chúng tôi  từ cách làm chuồng trại, đến chăm sóc và phòng bệnh cho lợn nên đàn lợn của gia đình chúng tôi lớn nhanh, ít bệnh hơn trước đây. Ngày trước, gia đình nuôi lợn đen một năm chỉ bán được một lứa, thu nhập chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng. Giờ đây, chúng tôi nuôi lợn trắng của Dự án một năm có thể nuôi được 3 lứa, mỗi lứa bốn con bán được 9 triệu đồng. Chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi.”

Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó trưởng phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng chia sẻ: “Triển khai mô hình sinh kế thí điểm trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động đã tạo ra một luồng gió mới cho đồng bào vùng dự án về các thức sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Những bài học kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm sẽ được chúng tôi đánh giá để áp dụng một cách tốt nhất trong giai đoạn tiếp theo của hoạt động sinh kế.”

Hoạt động sinh kế sẽ kéo dài 4 năm (2013 - 2016)

  • Giai đoạn thí điểm 8/2012 - 10/2013) được thực hiện tại 5 bản
  • Giai đoạn chuyển tiếp (11/2013 - 6/2014) được thực hiện  tại10 bản
  • Giai đoạn nhân rộng (6/2014 - 6/2016) được triển khai tại 44 bản

 


  • 29/12/2013 10:21
  • Bài và ảnh: Đình Lợi
  • 3988


Gửi nhận xét