Xung quanh công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình truyền tải điện: Gỡ khó thế nào?

Trong nhiều năm qua, công tác bồi thường, di dân, giải phóng mặt bằng chính là rào cản lớn nhất trong việc thực thi các dự án lưới điện của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT). Câu chuyện “biết rồi…” này sẽ được giải quyết như thế nào những năm tiếp theo?

Bài toán giải phóng mặt bằng

Trong giai đoạn 2006-2010, EVN NPT chỉ hoàn thành 50% khối lượng đầu tư xây dựng trong số 27 dự án 500 kV và 203 dự án 220 kV. Phần lớn các công trình này đều chậm tiến độ do gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc EVN NPT,hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng bị chi phối bởi 3 Luật, 8 Nghị định và 11 Thông tư. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ban, ngành  đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khâu này, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc do đặc điểm các công trình đường dây tải điện là công trình dạng tuyến, thường đi qua nhiều tỉnh, thành, địa phương khác nhau.
 

Phần lớn các công trình truyền tải điện chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng - Ảnh: Vũ Lam

Ông Hùng đưa ra 3 nhóm vướng mắc chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đó là: Về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư nói chung và các dự án lưới điện nói riêng đang bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật khác nhau, từ đó dẫn đến sự rắc rối, chồng chéo lẫn nhau, khó triển khai, làm chậm tiến độ công trình. Về đơn giá bồi thường, mức hỗ trợ khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đơn giá không sát giá thị trường. Tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, có sự chênh lệch lớn về đơn giá và mức hỗ trợ của các địa phương cũng khác nhau. Cuối cùng, là những bất cập liên quan đến trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng, đến công tác quản lý đất đai, trách nhiệm, năng lực của địa phương và nhận thức của người dân còn hạn chế.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, EVN NPT đầu tư 22 dự án đường dây tải điện 500 kV với tổng chiều dài 1.878 km và 16 TBA 500 kV với tổng dung lượng khoảng 12.550 MVA; 65 dự án đường dây tải điện cấp điện 220 kV với tổng chiều dài 2.452 km và 54 TBA 220 kV với tổng dung lượng khoảng 12.780 MVA. Với khối lượng đầu tư lớn như vậy, cần phải thu hồi khoảng 888 ha đất phục vụ thi  công các vị trí móng trụ và các trạm biến áp, khoảng 12.460 ha đất bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến. Chính vì vậy, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là một thách thức rất lớn đối với EVN NPT.

Các giải pháp tháo gỡ

EVN NPT đã đưa ra 8 giải pháp cơ bản giải quyết những tồn tại và vướng mắc. Trong đó, yêu cầu các đơn vị liên quan phải chú trọng rà soát công tác chuẩn bị đầu tư từ khâu thiết kế, dự toán… đến triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế, khảo sát công trình; làm tốt công tác đấu thầu, không để xảy ra sai sót về thủ tục; đẩy nhanh quá trình thu xếp vốn và thanh quyết toán công trình…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc EVN NPT cho rằng, trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ngoài việc chủ động làm việc với các sở, ban, ngành và UBND địa phương, các đơn vị cần tăng cường phối hợp với cả hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia như các tổ chức Đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND… tạo sự đồng thuận, ủng hộ; đồng thời bám sát các tổ chức cơ sở, xác định nguyên nhân, có các phương án chủ động thay thế khi nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, các đơn vị trong Tổng công ty cần tăng cường giám sát năng lực và giám sát thi công các gói thầu, cảnh báo kịp thời những khiếm khuyết trong thi công, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của nhà thầu gây ra, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu có năng lực yếu kém.
 

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần xây dựng cơ chế để EVN NPT tham gia ý kiến trong quá trình lập Quy hoạch xây dựng nhằm lựa chọn vị trí, cũng như dành quỹ đất cho các công trình lưới điện - Ảnh: Vũ Lam

Điều cần lưu ý là chỉ triển khai đấu thầu các dự án khi đã thu xếp đủ vốn, hoặc kế hoạch thu xếp vốn có tính khả thi cao, từ đó sẽ không bị áp lực từ các nhà thầu và trong đàm phán khi thu xếp vốn. Ở đây cần thu xếp đủ vốn cho cả dự án, tránh tình trạng một gói thầu sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau và có kế hoạch ưu tiên hợp lý trong quá trình thu xếp vốn cho các dự án, đồng thời tăng cường trách nhiệm của đơn vị trong việc thu xếp vốn và thanh toán.

EVN NPT cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù về quản lý và thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch điện VII; cho phép EVN NPT được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước làm vốn đối ứng thanh toán tạm ứng các hợp đồng và các khoản vay nước ngoài; thanh toán các chi phí giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; cho phép tiếp tục thực hiện chỉ định thầu trong lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật…

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần xây dựng cơ chế để EVN NPT tham gia ý kiến trong quá trình lập Quy hoạch xây dựng nhằm lựa chọn vị trí, cũng như dành quỹ đất cho các công trình lưới điện. Các sở, ban, ngành tại các địa phương khi thoả thuận tuyến đường dây, vị trí trạm biến áp cần đảm bảo tính ổn định lâu dài của phương án, tránh thay đổi quá nhiều trong quá trình thực hiện.

Ông Dương Quang Thành – Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, đối với công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình điện thì đích thân Trưởng ban Quản lý Dự án phải chỉ đạo trực tiếp, không nên khoán trắng cho Phó trưởng ban. Có như vậy hiệu quả sẽ cao hơn, đồng thời để các địa phương thấy được tầm quan trọng của dự án. Ngoài ra, EVN NPT cần rà soát lại danh mục các dự án đầu tư có các tiêu chí xếp loại ưu tiên có bước chuẩn bị đầu tư hợp lý; củng cố công tác đấu thầu của Tổng công ty, tránh tình trạng vướng mắc trong khâu thủ tục, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, đảm bảo tiến hành đấu thầu công khai minh bạch; EVN NPT cũng cần tăng cường công tác quản lý giám sát tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng thất thoát, tăng chi phí cho dự án đầu tư; đẩy mạnh công tác quyết toán các công trình; đưa ra các giải pháp quản lý đáp ứng tiến độ dự án đã đề ra.

 


  • 30/05/2013 08:31
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 9066


Gửi nhận xét