Dự Hội nghị có ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng đại diện các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc.
Báo cáo kết quả hoạt động Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2011-2015), ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, sau gần 5 năm triển khai, chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, có 585 dự án được triển khai với hơn 10 nghìn mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng.
|
Người tiêu dùng đã có thói quen chọn sản phẩm có dán nhãn năng lượng - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Chương trình Nhãn năng lượng đã tạo được thói quen cho người tiêu dùng khi mua sắm; cân nhắc, ưu tiên chọn lựa các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Chương trình cũng hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp, trên 100 tòa nhà đã được vinh danh tại cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” do Bộ Công thương phát động.
Với việc hỗ trợ 30 nghìn dàn nước nóng năng lượng mặt trời, chương trình đã kích thích và tạo ra một thị trường dàn nước nóng sôi đông với nhiều mẫu mã đa dạng của các nhà cung cấp. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 700 nghìn dàn nước nóng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh tương đương 1.600 tỷ đồng.
Các chương trình truyền thông cộng đồng về tiết kiệm năng lượng đã tuyền tải bằng nhiều hình thức đa dạng trên tất cả các loại hình báo chí, truyền hình tới mọi vùng miền trên cả nước. Thông qua đó, chương trình đã tác động tới người dân, cộng đồng, tạo được thói quen tự nguyện tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được triển khai đúng thời điểm (hiệu lực từ ngày 1/1/2011) giúp thể chế hóa các quy định, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Các văn bản qui phạm pháp luật được ban hành đã tạo ra các chuyển biến lớn về thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Ước tính của Viện Năng lượng cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Xét về mặt giá trị làm lợi về kinh tế và môi trường, con số trên có ý nghĩa rất lớn.
Tại hội nghị, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng tiết kiệm điện bình quân/năm trong giai đoạn 2011 – 2014 của EVN là 1,9 tỷ kWh/năm. Kết quả giảm tổn thất điện năng liên tục thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao với 9,23% (2011), xuống còn 8,87% (2013), 8,49% (2014) và phấn đấu năm 2015 xuống còn 8%.
Để đạt được những kết quả trên, EVN đã triển khai nhiều chương trình tiết kiệm điện như tổ chức tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả thông qua các hình thức phát tờ rơi, băng rôn, tiết kiệm điện trong trường học, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tiết kiệm điện trong cộng đồng; thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang, quảng bá bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, vệ sinh máy điều hòa nhiệt độ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, thí điểm công ty dịch vụ năng lượng ESCO…
|
Công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng thay bóng đèn tiết kiệm năng lượng cho hộ dân người dân tộc Khmer - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Theo ông Đỗ Hữu Hào- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, như: Vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng, việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng trong các ngành chưa đồng bộ, thiếu chuyên gia công nghệ, vốn đầu tư ban đầu cho các dự án tiết kiệm năng lượng, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực sử dụng năng lượng.
Để mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn nữa, các đại biểu kiến nghị: Cần có cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các thiết bị tiết kiệm điện, điều chỉnh giá mua điện hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp phát triển các dạng năng lượng tái tạo; thay thế các bóng đèn huỳnh quang bằng đèn LED có mức tiết kiệm và tuổi thọ cao hơn; kiểm soát chặt chẽ sản phẩm, thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng...