IEA cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách năng lượng sạch một cách sáng tạo và năng động hơn, loại bỏ hoàn toàn mọi giải pháp hỗ trợ năng lượng hoá thạch và khuyến khích minh bạch hóa khi sử dụng năng lượng sạch.
Rào cản về chi phí
Trên thực tế, chính sách sử dụng năng lượng sạch ở một số quốc gia trên thế giới còn nhiều bất ổn. Một số quốc gia châu Âu như Anh, Đức có những quy định khá khắt khe về chứng nhận xanh, xu hướng đấu thầu các dự án năng lượng sạch hay thu thuế đối với sản phẩm năng lượng tái tạo. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ngày 22/1/2015 đã thông qua quyết định áp thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm pin sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Rào cản lớn nhất tạo ra sự bất ổn trên là vấn đề chi phí. Câu chuyện về chính sách sử năng lượng sạch của Mỹ, được chính thức công bố ngày 3/8/2015 vừa qua càng thấy rõ điều đó. Kế hoạch phát triển năng lượng sạch được xem như một bước đi lịch sử và mạnh mẽ, ngay khi chưa chính thức công bố đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Đảng Cộng hòa cùng các công ty nhiệt điện than và khai thác than, những ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất từ việc phát triển năng lượng sạch.
Về mặt kinh tế, Quỹ Heritage- Một trung tâm nghiên cứu có uy tín của Mỹ cũng cho rằng, kế hoạch điện năng sạch sẽ làm cho khoảng 80 ngàn người Mỹ mất việc, GDP giảm 28 tỷ USD và thu nhập trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm khoảng 300 USD vào năm 2030. Phản bác lại những lập luận trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, kế hoạch điện năng sạch sẽ không “giết chết” việc làm của nhiều người Mỹ mà trái lại còn thúc đẩy thị trường lao động. Theo ông Obama, chỉ riêng ngành công nghiệp điện mặt trời đã tạo ra việc làm nhanh gấp 10 lần các ngành khác trong nền kinh tế Mỹ.
Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
Trên thế giới, rất nhiều nước quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, Chính phủ các nước cần sớm có chính sách đầu tư, hỗ trợ về tài chính, giá bán các nguồn năng lượng sạch, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, cần có chính sách về giá điện tái tạo, đồng thời nghiên cứu giải pháp để ngân hàng thương mại tham gia vào việc bảo lãnh các dự án đầu tư. Lộ trình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng cần được công khai, minh bạch, rõ ràng. Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; có chính sách trợ giá, giảm thuế để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này; đầu tư đổi mới công nghệ trong sử dụng tiết kiệm năng lượng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng và tiết kiệm năng lượng.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Điều hành UNEP, Achim Steiner cho biết: “Công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường là một phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu. Để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, các quốc gia cần có cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh”.
Là nước có lượng khí thải CO2 lớn thứ hai thế giới và là nước có khả năng đóng góp tài chính lớn nhất, động thái mới về chính sách sử dụng năng lượng sạch của Mỹ đã góp phần quan trọng thúc đẩy sớm đi đến một thỏa thuận mới tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra ở Paris vào cuối năm 2015.
Theo quy định, Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP-21 sẽ diễn ra cuối năm nay, 28 nước thành viên phải nộp bản cam kết giảm thải khí nhà kính. Trong đó:
• Mỹ cam kết giảm từ 26% - 28% lượng khí thải từ nay đến 2025 so với năm 2005.
• Nga cam kết giảm 25%-30% từ nay đến 2030 so với 1990.
• Các thành viên EU dự tính giảm 40% lượng khí thải từ nay đến 2030 so với 1990.
• Chính phủ nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đặc biệt Trung Quốc (nước đứng thứ nhất về lượng phát thải khí nhà kính) và Ấn Độ (nước đứng thứ 3 về lượng phát thải khí nhà kính và đang chần chừ với kế hoạch chống phát thải) là các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc phác thảo cam kết của mình.
Theo quy định, Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP-21 sẽ diễn ra cuối năm nay, 28 nước thành viên phải nộp bản cam kết giảm thải khí nhà kính. Trong đó:
• Mỹ cam kết giảm từ 26% - 28% lượng khí thải từ nay đến 2025 so với năm 2005.
• Nga cam kết giảm 25%-30% từ nay đến 2030 so với 1990.
• Các thành viên EU dự tính giảm 40% lượng khí thải từ nay đến 2030 so với 1990.
• Chính phủ nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đặc biệt Trung Quốc (nước đứng thứ nhất về lượng phát thải khí nhà kính) và Ấn Độ (nước đứng thứ 3 về lượng phát thải khí nhà kính và đang chần chừ với kế hoạch chống phát thải) là các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc phác thảo cam kết của mình.
|