Mục tiêu năng lượng xanh
Năm ngoái, người nông dân này đi bộ tới cánh đồng của mình và sau đó bị bỏng tới 70% ở hai bàn chân vì sức nóng từ việc đốt than dưới lòng đất ở một nhà máy điện gần đó. Ông Singh nói rằng lúc bấy giờ ông đã phải lết ra khỏi cánh đồng và bị ốm dài vì các vết bỏng.
Người dân sinh sống tại ngôi làng Uncha Amirpur, phía Bắc bang Uttar Pradesh – phía Đông thủ đô New Delhi – đã phát hiện ra rằng hỗn hợp nước và than đá mà nhà máy điện NTPC Dadri gần đó sử dụng được đốt ngay dưới cánh đồng của họ và đôi lúc gây hỏa hoạn. Nhiều gia súc cũng bị chết do nhiệt lượng cao.
Hàng triệu người dân ở Ấn Độ đã buộc phải sống chung với sự ảnh hưởng của các loại nhiên liệu bẩn, trong khi chính phủ nước này cho hay họ thiếu nguồn vốn để đầu tư cho năng lượng xanh.
Nguồn vốn là vấn đề chủ chốt tại Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh tại Pháp, quy tụ đại diện của khoảng 100 quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến trình hướng tới một nền kinh tế phi carbon.
Các nước đang phát triển mới đây cho hay họ mới chỉ nhận được 1/10 trong tổng số tiền 100 tỷ USD mà các nước phát triển cam kết hỗ trợ từ nay đến cuối thập kỷ, theo một thỏa thuận ký kết năm 2010.
“Nếu như có thêm nguồn vốn, đương nhiên chính phủ Ấn Độ sẽ thúc đẩy năng lượng tái sinh nhanh hơn” – chuyên gia phân tích năng lượng Narendra Taneja nói với hãng AFP – “Các yếu tố gây ô nhiễm gia tăng suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng chúng tôi không phải nguyên nhân. Chính các nước phương Tây mới cần phải ngừng hoạt động này lại”.
Ấn Độ cần khoảng 140 tỷ USD để có thể hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra, trong đó đạt công suất năng lượng mặt trời 100.000 megawatts vào năm 2022.
Tính đến nay, Ấn Độ mới đạt được 15.000 MW điện năng lượng mặt trời, tức chỉ chiếm 5% trong tổng số năng lượng điện sản sinh (331.000 MW) của nước này.
Những ảnh hưởng đáng sợ
Là một trong số những nền kinh tế lớn đang có đà phát triển nhanh nhất thế giới, Ấn Độ cần có nguồn năng lượng không bị gián đoạn để giữ cho các nhà máy của họ hoạt động và mở rộng nền kinh tế. Hiện nay, 66% năng lượng điện của nước này sản sinh từ than đá và khí tự nhiên. Phần còn lại đến từ năng lượng hạt nhân và năng lượng tái sinh – bao gồm năng lượng gió, mặt trời và thủy điện.
Ấn Độ cần có nguồn năng lượng tái sinh để tuân thủ cam kết của thỏa thuận Paris ký năm 2015 nhằm giảm lượng khí thải tới 35% vào năm 2030. Thế nhưng do thiếu các lựa chọn dự trữ năng lượng gió và mặt trời nên than đá – với lợi thế giá rẻ – vẫn là nguồn năng lượng chính ở nước này. Hơn 300 nhà máy điện sử dụng than đá ở Ấn Độ đã không thể áp dụng công nghệ giảm khí thải đúng thời hạn 7/12 mà chính phủ từng đề ra.
Và ảnh hưởng từ việc đốt than đá có thể được nhận thấy rõ ở những nơi như ngôi làng Uncha Amirpur, nơi mà lớp bụi than phủ kín mọi bề mặt ở đây. Nhà máy điện Dadri cung cấp tới 1/3 tổng mức điện năng mà thủ đô New Delhi tiêu thụ, nhưng cũng là nơi phát thải nhiều khói bụi bậc nhất.
Bởi vậy mà cứ đến mùa đông, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề lại diễn ra ở New Delhi, gây ra nhiều chứng bệnh hô hấp cho trẻ em và người lớn.
Mandeep Raghav, một người dân địa phương, cho hay có những ngày mà anh còn cảm thấy khó thở. “Khi tập chạy, hít thời bầu không khí ô nhiễm một thời gian còn có thể chịu đựng được. Nhưng vào ban đêm khi tôi ngủ, tôi có thể nhận thấy rằng tim mình đập nhanh hơn”, Raghav nói, thêm rằng cha của anh đã qua đời tháng tư vừa qua vì bệnh hen suyễn.
Ishwar Chand Sharma, một thợ máy làm việc tại một nhà máy than, cho hay: “Phần lớn khoảng thời gian trong năm, cứ mỗi tháng thì tôi bị ốm ít nhất 10 ngày và phải tạm nghỉ việc”.
Tro bụi từ nhà máy điện này còn lan sang các ngôi làng lân cận, bao gồm Salarpur Kala, ngôi làng nằm giữa nhà máy điện và 2 nhà máy xi măng khác. Ông Satbir Singh, một quân nhân về hưu, cho hay ông đã phải bỏ việc đồng án vì tro bụi phá hủy mùa màng.
“Một lớp bụi dày đã phá hủy hết lúa mì” – ông Singh nói – “Ít nhất một nửa trong tổng số diện tích 200 hecta nuôi trồng của tôi đã bị hư hại trong tháng 10 vừa qua”.