Theo tính toán phần nhiệt thật sự góp phần tạo thành sản phẩm thường chỉ chiếm từ 5 - 30%. Phần lớn nhiệt năng còn lại đi theo khí thải, nước thải hoặc làm nguội máy… và thoát ra môi trường góp phần làm trái đất nóng lên. Nếu tận dụng triệt để lượng CO2 và SO2 cùng các chất khí độc hại do sản xuất công nghiệp sinh ra có thể giảm từ 50 - 80%. Với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất.
Cụ thể, hiện nay quy trình sản xuất xi măng đã áp dụng giải pháp “Thu hồi nhiệt thải” (WHR) nhằm giảm chi phí năng lượng và bảo vệ môi trường đang được một số doanh nghiệp sản xuất xi măng chú trọng thực hiện. WHR là hệ thống thu hồi nhiệt khí thải ra từ quá trình sản xuất xi măng trong nồi hơi để tạo thành hơi nước. Hơi nước này sẽ được đưa vào tuabin và hệ thống máy phát điện để tạo ra điện năng nhằm tái sử dụng năng lượng cho nhà máy.
Ông Surapon Oonchuen - Giám đốc Công ty Điều hành và bảo trì hệ thống bảo toàn năng lượng Cementhai thuộc ngành xi măng và vật liệu xây dựng của tập đoàn SCG - cho biết: Hiện SCG đã áp dụng 3 công nghệ WHR phổ biến nhất tại các nhà máy xi măng, bao gồm hệ thống nén đơn, hệ thống xả và hệ thống áp suất kép. Xét về mặt kinh tế, áp dụng hệ thống WHR các nhà máy có thể tự tạo ra năng lượng để tái sử dụng và tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.
Áp dụng hệ thống WHR các nhà máy có thể tự tạo ra năng lượng để tái sử dụng và tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ. Ảnh minh họa
|
Biến khí thải thành điện năng
Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy sản xuất xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện. Đối với nhà máy đang sản xuất hoặc đầu tư có công suất 2.500 tấn clinker/ngày chưa có hệ thống tận dụng nhiệt thừa để phát điện chậm nhất 31/12/2014 phải đầu tư xong. Tuy nhiên do suất đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm, đến nay toàn ngành hiện mới chỉ có vài doanh nghiệp quan tâm và tận dụng được nguồn năng lượng thải này.
Ông Surapon Oochuen cho biết thêm, 1 tấn khí thải có thể sản xuất ra 3 - 5 kWh điện. Nếu tất cả các nhà máy sản xuất xi măng của Việt Nam đều tận dụng nhiệt thải từ các lò nung clinker để phát điện, mỗi năm sẽ tận dụng được khoảng 1,5 tỷ kWh.
Với chi phí đầu tư cho hệ thống khoảng 15 - 16 triệu USD, thời gian hoàn vốn từ 4 - 5 năm, lượng CO2 giảm được 30.000 tấn/năm, WHR đã được công nhận là một giải pháp tốt cho việc tiết kiệm chi phí điện năng, giảm tác động khí thải tới môi trường.
Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tất cả các nhà máy xi măng với công suất 2.500 tấn clinker mỗi ngày trở lên phải được trang bị hệ thống WHR để tiết kiệm ít nhất 20% lượng điện tiêu thụ vào năm 2015. Đây là một động thái quan trọng trong việc thực hiện phát triển bền vững ngành công nghiệp xi măng Việt Nam. |