Quá trình “mổ” máy
Để biến những chiếc máy tính cũ thành tivi giá rẻ, người bán hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo thường mua lại màn hình máy tính cũ, sau đó tháo rời từng bộ phận và phân loại các chi tiết. Sau khi mổ xẻ máy tính cũ, thứ có giá trị nhất là bóng đèn hình. Đèn hình máy tính được phân loại theo giá trị sử dụng, rồi chuyển sang cho thợ tân trang lại, lắp ráp với một số phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những bóng đèn hình của máy tính được tân trang lại - Ảnh st
|
Đối với bóng đèn hình được tân trang lại, cái nào bị xước nhiều sẽ được đánh bóng kỹ, loại bỏ vết xước, còn nếu bóng đèn hình đã hỏng thì đem bán cho các lò nấu thuỷ tinh.
Anh Cao Xuân Khiêm, chủ một xưởng lắp ráp tivi tự chế tại chợ Nhật Tảo chia sẻ: “Các bóng đèn hình máy tính từ 15 đến 21 inch có độ phân giải cao hơn màn hình vô tuyến bình thường, chất lượng cũng còn tốt, loại bèo nhất ít ra cũng xài được thêm vài năm. Cấu tạo một chiếc tivi gồm vỏ, bo mạch điều khiển đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể lắp ráp với bất kỳ loại bóng đèn hình vi tính nào từ 15, 17 đến 21 inch”.
Do bóng đèn hình của nhiều hãng sản xuất khác nhau, nên cở sở lắp ráp tivi phải chỉnh sửa lại bộ khung cho phù hợp. Những chiếc tivi được lắp ráp từ màn hình vi tính cũ được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiếc tuỳ theo kích cỡ. Một số được bán ngay tại chợ, số còn lại bỏ mối cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân nghèo chưa đủ khả năng mua sắm tivi đời mới.
Tính năng còn hạn chế
Từ 1/4/2015, Đề án Số hóa truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo đó, các mẫu TV từ 32 inch trở lên được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu đều phải được tích hợp thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình chuẩn DVB-T2 và các thế hệ kế tiếp của thiết bị này mới có thể thu phát được các kênh truyền hình kỹ thuật số.
Còn đối với những chiếc tivi giá rẻ tự chế này, muốn xem được truyền hình cáp, người sử dụng phải mua thêm một bộ giải mã DVB-T2 có giá giao động từ 1-2 triệu đồng. Giá trọn bộ vẫn rẻ và dễ thay thế hơn so với việc mua một chiếc tivi tái chế có tích hợp sẵn thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình chuẩn DVB-T2.
Việc tái chế màn hình máy tính cũ thành chiếc tivi giá rẻ này đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận lớn những người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng có không ít khách hàng mua phải những sản phẩm không tốt, không đảm bảo chất lượng, an toàn điện, phải chịu cảnh: “tiền mất, tật mang”.
Và đặc biệt, nếu các hoạt động “tự chế” này vi phạm các quy định về xử lý rác thải điện tử, sẽ gây ra tác động rất lớn đến môi trường sống, cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng.
Ông Dương Trí Trang (Cà Mau): "Khách hàng có túi tiền cỡ nào cũng có thể mua được tivi tái chế, nhiều tiền thì mua hàng “ngon lành”, ít tiền hơn cũng có thể mua tivi 17 inch với giá chỉ 750 nghìn đồng. Tôi mua một chiếc tivi loại này xem chừng 2-3 năm mới thấy chất lượng hình giảm đi, lúc đó rất khó sửa phải bỏ đi mua chiếc khác với số tiền rẻ như vậy ".
Ông Nguyễn Hồng Võ (quận Bình Tân, TP.HCM) - Khách hàng thường xuyên mua đồ tái chế, khuyên: “Người mua nên có chút ít hiểu biết về đồ điện, điện tử. Nếu mua phải hàng lắp ráp không chuẩn, tivi sẽ thường xuyên gặp hiệu ứng bóng ma, độ nhạy kém hoặc rơi vào trường hợp bị hư nguồn, mất tiếng, mất hình, méo hình, nhợt màu, nhiễm từ, âm thanh bị rè…” |