Ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Quang Tuấn.
|
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án điện gió Kê Gà là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam, tỉnh ghi nhận sự cố gắng của chủ đầu tư, đơn vị đối tác đã thực hiện những công việc tích cực để có giấy phép triển khai dự án.
Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Hiện nay, điện gió trên đất liền có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến ngành nghề khác. Với năng lực tài chính và kinh nghiệm sớm triển khai các kế hoạch, tỉnh mong muốn nhà đầu tư và địa phương cùng phối hợp thực hiện tốt để dự án được triển khai hiệu quả. Trên tinh thần đó, tỉnh Bình Thuận sẽ có chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị khảo sát thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án. Đây cũng là cơ sở để thực hiện các dự án tiếp theo.
Dự án điện gió khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2019 và được đầu tư bởi các công ty về năng lượng, đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy – tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, khai thác nguồn năng lượng giảm thải cacbon.
Dự án có công suất là 3.400 MW, với tổng số vốn đầu tư của nước ngoài là 11,9 tỉ USD. Dự án được đầu tư xây dựng tại khu vực ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20 km tới 50 km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Diện tích thực hiện khảo sát 2.800 km2, trong đó khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2.
Các tua bin sử dụng trong dự án có công suất khác nhau, trong đó những tuabin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5 MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuabin sẽ tăng lên với sự phát triển của công nghệ tua bin gió.
Dự án hướng tới cung cấp nguồn năng lượng bền vững, duy trì quỹ đạo tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp điện gió cạnh tranh với khu vực và thế giới trong tương lai. Đồng thời, Dự án đi vào hoạt động sẽ mang đến nhiều hơn các cơ hội nghề nghiệp cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy kinh tế tại những vùng khó khăn.
Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, sau khi nhận được Giấy phép khảo sát chính thức, mục tiêu của nhà đầu tư sẽ là đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi để đảm bảo giai đoạn I của Dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió.
Những giai đoạn tiếp theo lần lượt được đưa vào khai thác từ năm 2023 đến năm 2026, giai đoạn phát triển cuối là Thăng Long Wind VI với công suất 400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400 MW tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.
Tại buổi lễ, website chính thức của dự án với tên miền thanglongwind.com và website chính thức của tập đoàn tại địa chỉ enterprizenergy.com đã được giới thiệu.