Theo hãng tin Reuters (Anh), các 'gã khổng lồ' năng lượng và giới chức chính phủ của các quốc gia châu Âu đã kêu gọi người dân và doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ điện, đưa ra các phương án dự phòng nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Tại Áo, người phát ngôn của chi nhánh của chuỗi bán lẻ đa quốc gia SPAR Group cho biết họ đang giảm thời gian phát quảng cáo tại hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc. Động thái này sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng của nhà bán lẻ này xuống 1 triệu kilowatt giờ/năm. Tuy nhiên, giới chức không nói rõ hành động này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí năng lượng.
Tháng trước, người đứng đầu Leclerc, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Pháp, cho biết họ có thể giảm giờ mở cửa tại các cửa hàng để đối phó với tình trạng thiếu điện. Chỉ hơn một tuần trước đó, nhà điều hành siêu thị đối thủ Carrefour cũng đã ký 'Điều lệ EcoWatt' với nhà điều hành lưới điện quốc gia RTE, nhằm giảm tiêu thụ điện tại các cửa hàng trong những giờ cao điểm.
Một số nhà bán lẻ khác của Bỉ - bao gồm Colruyt và Ahold – cũng đề xuất thực hiện các chương trình năng lượng bền vững nhằm tiết kiệm điện, nhằm thoát khỏi tình trạng nguồn cung gián đoạn tiềm ẩn và chi phí tăng cao.
Một cửa hàng Colruyt ở Bỉ. Ảnh minh họa. Nguồn: dhnet.be
|
Người phát ngôn của Colruyt cho biết: 'Không có biện pháp cụ thể nào được lên kế hoạch trong ngắn hạn, nhưng tham vọng của công ty là tiếp tục nỗ lực thực hiện chính sách năng lượng tổng thể. Đó là lý do tại sao chúng tôi tắt mọi biển quảng cáo, không sử dụng tủ đông lạnh và đóng cửa các kho lạnh'.
Người phát ngôn cho biết công ty có 44 cửa hàng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không sử dụng dầu đốt hoặc khí đốt tự nhiên mà được đốt nóng hoàn toàn bằng nhiệt thải và điện xanh.
Giám đốc điều hành Frans Muller cho biết Ahold cũng đang tìm cách cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng. Công ty đã đề xuất một số chương trình tiết kiệm khí đốt, bao gồm việc vận hành các cửa hàng Albert Heijn hoàn toàn bằng năng lượng bền vững vào năm tới. Ông nói: "Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về thời gian mở cửa nhưng chúng tôi đang xem xét kỹ hơn về việc sử dụng năng lượng".
Ngày 5/8 vừa qua, các nước thành viên EU đã chính thức thông qua kế hoạch khẩn cấp của khối nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới do nguồn cung khan hiếm. Theo thông báo của Cộng hòa Séc, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, thỏa thuận này đã được các nước EU phê chuẩn, ngoại trừ Hungary và Ba Lan.
Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ tại cuộc họp của EU cách đây 2 tuần. Nước này hiện đang đàm phán với Nga để nhập khẩu thêm khí đốt. Trong khi đó, Ba Lan cũng không phê chuẩn thỏa thuận này dù trước đó cũng ủng hộ thỏa thuận.
Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ cho EU.
Link gốc