Tiết giảm tiền điện
Ông Dương Hoàng Dũng, chủ một trại chăn nuôi heo có qui mô hàng trăm con ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, Cần Thơ, cho biết: "Nuôi heo với số lượng hàng trăm con như tôi mà không làm biogas thì mùi hôi từ chất thải chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng xóm. Biogas giúp tăng hiệu quả kinh tế gia đình, nguồn khí gas phục vụ đun nấu và thắp sáng cho trại nuôi heo…".
Trại nuôi heo của ông Dũng được thiết kế theo mô hình của Dự án Phát triển nông thôn dựa trên cơ chế phát triển sạch (CDM) do Trường đại học Cần Thơ và Trung tâm nghiên cứu thế giới của Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS) phối hợp thực hiện. Đây là dự án đầu tư “tín chỉ carbon” đầu tiên được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Nông dân Cần Thơ xây dựng hệ thống biogas trong vườn nhà để phát triển nông nghiệp sạch, giảm lượng phát thải khí CO2 ra môi trường. (Ảnh: minh họa) |
Theo chuyên gia của dự án CDM, quy trình biến đổi từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất ra chỉ số carbon khá đơn giản. Khi nông dân đồng ý xây hệ thống biogas, tùy theo mức độ lớn nhỏ của nông hộ (tức là số đầu heo của một nông hộ) sẽ tính toán được lượng meetan sản sinh ra là bao nhiêu. Từ đó, chuyên gia sẽ cùng nông dân quy đổi ra số kilogam củi tương đương và lượng phát thải khí CO2 ra môi trường.
Hiện nay, tỉnh Cần Thơ đã có hơn 400 hộ nông dân tham gia dự án một cách hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm - giảng viên khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, đại diện dự án, phân tích: “Mô hình này càng được nhân rộng thì người nông dân càng được hưởng nhiều lợi ích. Mỗi tháng họ không phải mất tiền mua gas, điện trong nấu ăn, thắp sáng vì áp dụng mô hình khép kín vườn, ao nuôi cá, chuồng heo Biogas. Ngoài ra thu nhập của họ còn được tăng qua việc bán cá (mỗi năm 1 vụ), bán heo (2 đợt/năm), tiền bán trái cây hoặc hoa màu.
Năm 2015 sẽ bán tín chỉ carbon cho thị trường thế giới
Theo dự án CDM, JIRCAS sẽ đầu tư vốn để các nhà nông làm vườn bằng các biện pháp sạch, giảm tối đa việc phát thải khí CO2 ra môi trường. Việc giảm phát khí này sẽ được đo lại và quy ra tín chỉ carbon. Tính trung bình, cứ 1.000 hộ nông dân trên địa bàn Cần Thơ tham gia chương trình với 1.000 túi, hầm biogas được triển khai thì mỗi năm có thể tạo ra được khoảng 3.000 tín chỉ carbon. Khi có lượng tín chỉ carbon ổn định, năm 2015, JIRCAS sẽ tiếp thị ra thế giới để bán tín chỉ này.
“Tiền bán các tín chỉ carbon, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hộ dân xây hệ thống lọc nước sạch, sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời, hỗ trợ canh tác nông nghiệp...” – PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm cho biết thêm.
Theo ông Chiếm, dự án thường xuyên tổ chức hội thảo với nông dân để lắng nghe phản ánh của họ, cũng như các góp ý hữu ích. Vì dự án bao gồm lợi ích kinh tế và môi trường, nên nông dân rất nhiệt tình tham gia.
Thị trường carbon được xem là công cụ chính để giảm phát thải CO2, một trong 4 loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Hoạt động của thị trường carbon được hỗ trợ bởi 4 cơ chế chính được nêu ra trong Nghị định thư Kyoto, đó là cơ chế buôn bán sự phát thải, cơ chế phát triển sạch (CDM) và cơ chế đồng thực hiện (JI) cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng (REDD).
Một tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2. Những nước hoặc nhà máy, đơn vị sản xuất... nếu có lượng khí thải CO2 xả ra môi trường vượt mức quy định thì phải mua tín chỉ carbon ở những nơi khác tiết kiệm được để bù vào.
|